Hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa cao do thiếu kinh phí

01/10/2019 - 14:57

BDK.VN - Sáng 1-10-2019, đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE), do bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh làm trưởng đoàn, đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát tỉnh.

Đại biểu thảo luận tại buổi làm việc.

Đại biểu thảo luận tại buổi làm việc.

Mốc thời gian giám sát từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Việt Nam, ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre, ông Huỳnh Văn Cuộn - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, ông Nguyễn Hải Hà - Trưởng ban Dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh, cùng đại diện các cơ quan: Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Hội Nạn nhân cất độc da cam tham dự cuộc giám sát. 

Bà Nguyễn Thị Bé Mười - Giám đốc Sở LĐTBXH cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan được giám sát đã tiếp và làm việc với đoàn giám sát.

Đến tháng 6-2019, toàn tỉnh hiện có 276,3 ngàn trẻ em (số tròn); trong đó, có 134,2 ngàn trẻ em (TE) nữ, 142,1 TE nam.

Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc TE, phòng chống XHTE; thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo nhiệm vụ, chức năng của các ngành.

Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh được ngành chức năng quan tâm thực hiện.

Các mặt công tác, như:  giải quyết ý kiến, kiến nghị của TE về phòng, chống XHTE; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo tố giác tội phạm về XHTE; khám, chữa bệnh đối với TE bị xâm hại; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống XHTE; xử lý đối với hành vi XHTE đã được các ngành, các cấp, chính quyền địa phương quan tâm.

Tuy nhiên, thời gian qua (từ ngày 1-1-2015 đến cuối tháng 6-2019), toàn tỉnh có 1.644 TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có 107 TE vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải ở nhà phụ giúp cha mẹ, 20 em bỏ học văn hóa giữa chừng (để học nghề).

Cơ quan chức năng đã nhận 116 tin báo tố giác tội phạm XHTE; đã xác minh 116 vụ;  đã khởi tố 100 vụ với 103 bị can; không khởi tố 13 vụ; xử lý hành chính 1 vụ; 2 vụ đang xác  minh.

Đại diện các ngành chúc năng đã nêu những khó khăn trong hoạt động bảo vệ TE. Trong đó, việc thiếu nhân sự (đa số là cán bộ làm kiêm nhiệm) và thiếu kinh phí hoạt động nên hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ TE chưa cao.

Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ. Các ngành chức năng đề nghị Quốc hội cần xem xét, dành kinh phí thỏa đáng khi phân bổ ngân sách cho công tác bảo vệ, chăm sóc TE. 

Đoàn giám sát đã thảo luận nhiều vấn đề quan tâm: hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành chức năng đối với hoạt động phòng, chống XHTE; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại cơ sở; giải pháp hiệu quả trong trong phòng, chống XHTE; công tác bảo vệ TE, xử lý đối với tội phạm XHTE; kinh phí đối với hoạt động bảo vệ, chăm sóc TE…

Thay mặt đoàn giám sát, bà Trần Thị Thanh Lam ghi nhận những kiến nghị của đại biểu.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Thanh Lam đề nghị trong thời gian tới, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác chăm sóc, bảo vệ TE. Các cơ quan tố tụng cần ra soát kỹ lưỡng đối với 13 trường hợp chưa khởi tố, nếu đủ điều kiện thì phải xử lý nghiêm. Sở LĐTBXH cần tăng cường công tác điều hành hoạt động bảo vệ, chăm sóc TE. Các sở, ngành, đoàn thể cần tăng cường thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, phòng chống XHTE. 

Tin, ảnh: H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN