Thanh niên với khát vọng làm giàu

26/03/2018 - 13:51

BDK.VN - Mỗi thanh niên có điểm xuất phát khác nhau nhưng hầu hết đều thể hiện được khát vọng làm giàu của bản thân.

Nhiều bạn trải qua không ít lần thất bại, nhưng bằng niềm tin và nghị lực, các bạn đã gặt hái được thành công. Điển hình trong số đó có bạn Cao Thanh Hùng ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành và bạn Nguyễn Minh Tuấn xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm.

Cao Thanh Hùng: Dám nghĩ dám làm

Hùng sinh ra trên vùng đất Tân Phú huyện Châu Thành giàu cây trái. Nhiều năm trở lại đây, nước mặn làm ảnh hưởng đến vườn cây trái của bà con khiến nhiều phải chặt bỏ cây vì bị cháy lá, không thể phục hồi. Thấy bà con hao mòn công sức vì cây ăn trái, Hùng đau đáu muốn tìm hướng đi mới để phát triển quê hương.

Nhận thấy mô hình trồng cây đinh lăng của anh Võ Minh Nhựt (đoàn viên của xã) rất có hiệu quả về kinh tế, bằng sự sự nhạy bén và tinh thần chịu khó, Hùng đã cùng anh Nhựt xây dựng nên Dự án phát triển cây dược liệu đinh lăng hỗ trợ cho người nghèo.

“Ngay khi phát hiện được mô hình trồng cây đinh lăng của Nhựt, tôi đã không ngừng nghiên cứu và nhận ra tiềm năng kinh tế cũng như công dụng tuyệt vời của nó. Với những người nghèo ít đất sản xuất, không có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật thì mô hình trồng cây đinh lăng sẽ giúp họ dễ dàng có thêm thu nhập, vừa cải thiện đời sống kinh tế vừa tận dụng làm thuốc để cải thiện sức khỏe cho bản thân” - Hùng chia sẻ ý tưởng của mình.

Sau gần 1 năm thực hiện, tháng 3-2017, xã Tân Phú đã thành lập Tổ hợp tác trồng cây đinh lăng, với 11 thành viên. Ban đầu, tổ triển khai trồng 8.000 cây cho 5 hộ nghèo.

Hùng cho biết, loại cây này người dân có thể tận dụng diện tích đất nhỏ như bờ đê, hàng rào và khoảng trống của những vườn dừa, vườn bưởi… để trồng xen, tăng thêm thu nhập, giá bán từ 47 - 50 ngàn đồng/kg. Hiện nay, tổ hợp tác có 60 ngàn cây đinh lăng, mỗi tháng xuất đi và nhập về hơn 20 ngàn cây. Trừ đi vốn đầu tư cây giống, công lao động và phân bón, lợi nhuận trên 15 triệu đồng. Dự án đang tiếp tục được Quỹ tài trợ CFAC hỗ trợ cho 20 hộ nghèo tại xã cây giống, phân bón lót với kinh phí 220 triệu đồng để trồng đinh lăng”

“Hiện tại, mình đang tích cực xoay sở nguồn vốn để phát triển mô hình lên doanh nghiệp. Hướng tới tiếp tục thực hiện dự án, hoàn chỉnh hồ sơ và các thủ tục pháp lý cho các mặt hàng sản xuất từ cây đinh lăng để sớm đưa ra thị trường với phương châm “Người Việt Nam dùng sâm Việt Nam”” - Hùng bày tỏ.

Nguyễn Minh Tuấn: Thanh niên giàu nghị lực

Tuấn sinh năm 1983 trong một gia đình nông dân ở xã Hưng Lễ (Giồng Trôm), kinh tế chủ yếu từ dừa. Từ nhỏ, Tuấn luôn ao ước mình được học hành đến nơi đến chốn. Nghĩ là vậy nhưng chẳng bao giờ Tuấn nói ra vì biết gia đình mình không đất đai, lại đông anh em, 5 anh em đang ở tuổi ăn, tuổi học.  

Để giảm bớt gánh nặng và phụ lo kinh tế cho cha mẹ, Tuấn đã phải từ bỏ ước mơ cấp sách đến trường. Vì không có tay nghề, vốn liếng, Tuấn vào đời bằng việc đi làm thuê. Không ngại khó, ngại khổ, Tuấn làm bất cứ công việc gì từ theo ghe bơm cát đến chạy xe ôm… “Thấy bạn bè trang lứa đi TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, mình cũng muốn thử nhưng không kiến thức lại đi xa nhà nên thôi” - Tuấn tâm sự.

Làm mướn bao năm, không khá giả gì, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Xuất thân nông dân, Tuấn quyết lập nghiệp trên chính mảnh đất mình sinh ra. Thời điểm 2012 - 2013, chăn nuôi có chiều hướng phát triển, Tuấn mạnh dạn vay theo diện hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội 25 triệu đồng mua 2 bò con. Chịu khó, cần cù, Tuấn đã nhanh chóng lĩnh hội kiến thức về chăn nuôi từ bàn bè, qua hội thảo, tài liệu trên mạng.

Nhờ biết cách chăm sóc, đến nay, đàn bò của Tuấn tăng lên 6 con. Chưa dừng lại, đầu năm 2017, từ quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp của huyện, Tuấn nhận được 15 triệu đồng để chăn nuôi dê. Từ 2 dê mẹ ban đầu, sau 1 năm đến nay đàn dê của Tuấn có đến 8 con. Cuối năm 2017, gia đình Tuấn đã thoát nghèo, kinh tế ổn định. Với những kinh nghiệm của bản thân, đầu năm 2018, Tuấn cùng một số thanh niên xã Hưng Lễ thành lập tổ hợp tác nuôi dê, do Tuấn làm tổ trưởng.

Nói về cách làm cũng như giải pháp duy trì tổ hợp tác, Tuấn cho biết: “Mình sẽ chia sẻ cho anh em tổ viên kinh nghiệm trong chăn nuôi. Phối hợp với ngành chức năng tìm đầu ra cố định cho thành viên trong tổ. Tiếp tục hỗ trợ con giống cho những thanh niên còn khó khăn để nhân rộng mô hình, tăng thêm thành viên”.

Có hoài bão, nghị lực vươn lên, rồi đây không chỉ có Hùng, Tuấn mà ngày càng  có nhiều thanh niên thay đổi cuộc đời mình, làm giàu cho bản thân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương, đất nước. 

Bài, ảnh: Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN