Trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng

20/11/2019 - 07:14

BDK - Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu (NĐĐ). Theo đó, NĐĐ phải gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCTN. NĐĐ chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời kiến nghị xử lý tham nhũng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người báo cáo, tố cáo tham nhũng...

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Biên Thùy phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp 9 tháng năm 2019. Ảnh: Đức Chính

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Biên Thùy phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp 9 tháng năm 2019. Ảnh: Đức Chính

Thời gian qua, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh luôn được lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức được thực hiện nghiêm theo quy định. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chính thức hoạt động vào ngày 16-5-2019; chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp rà soát chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng khác đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm, đúng theo quy định: chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đúng theo Chỉ thị số 02 ngày 5-3-2019 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc và sử dụng tài sản công đúng theo quy định; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt…

Phó chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Khiêm cho rằng: “Việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị được thực hiện đúng theo quy định. Trong 9 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 4 đơn vị thực hiện chuyển đổi công tác với 17 công chức. Tuy nhiên, ở một số địa phương còn gặp khó khăn trong công tác luân chuyển cán bộ cho phù hợp với điều kiện và năng lực. Thanh tra tỉnh đã thực hiện 59 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội; đã kết thúc 45 cuộc, có kết luận 43 cuộc; đang thanh tra 14 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện số tiền sai phạm hơn 5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 2,16 tỷ đồng, kiến nghị chấn chỉnh và khắc phục 2,93 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra làm rõ 2 trường hợp sai phạm về tài chính với số tiền 200 triệu đồng.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Biên Thùy, Tòa án tỉnh đã đưa ra biện pháp cụ thể, mỗi thẩm phán phải có phiên tòa rút kinh nghiệm 1 lần/năm. Đây là cách để giúp thẩm phán trau dồi nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và cũng là giải pháp ngăn ngừa tham nhũng”.

Cùng trong thời gian 9 tháng năm 2019, các ngành chức năng tỉnh đã thực hiện nghiêm công tác kiểm tra về chế độ, trách nhiệm của NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN. MTTQ và các tổ chức thành viên đã nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội trong PCTN, phát hiện tham nhũng. Các cơ quan báo chí, thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng đã tích cực thực hiện trách nhiệm giám sát và đấu tranh PCTN, phản ánh sát với tình hình thực tế…

Tại hội nghị sơ kết công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp 9 tháng năm 2019 (diễn ra vào cuối tháng 10-2019, do Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam chủ trì), Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam - Ban Nội chính Trung ương Phan Bá khẳng định: “Công tác PCTN không có vùng cấm và không có thời gian nghỉ. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của NĐĐ trong PCTN, làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng từ cơ sở”.

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN