|
Nhà vườn Chợ Lách đăng ký tham gia Hội thi trái ngon. Ảnh: Hữu hiệp |
Chợ Lách là vùng cây lành trái ngọt, được thiên nhiên ưu đãi với nước ngọt quanh năm. Bây giờ, về Chợ Lách vào bất cứ mùa nào, du khách cũng có thể thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản như sầu riêng, bòn bon, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm hoặc mua các loại cây giống, hoa kiểng để đem về trồng, vì mọi xóm ấp, hộ dân đều có sản xuất. Theo thống kê, hàng năm, sản lượng trái cây toàn huyện đạt trên dưới 120.000 tấn, sản xuất khoảng 10 triệu sản phẩm hoa kiểng, 16 triệu cây giống các loại.
Trong nhiều năm qua, nông dân đã tiếp tục giữ vững ổn định và ngày càng phát triển kinh tế vườn mà chủ yếu là cây trái và hoa kiểng. Toàn huyện có trên 20 làng nghề cây giống và hoa kiểng với hàng ngàn nghệ nhân. Công tác tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và tìm giống mới luôn được nhà vườn quan tâm, nhất là tìm giống mới ngoại nhập cũng như tìm thị trường xuất khẩu cây giống, hoa kiểng. Đối với cây trái, ngoài tìm tòi các loại cây giống mới có hiệu quả kinh tế cao, người dân còn áp dụng mới nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, tập trung vào hướng chuyên canh những loại cây trái đặc sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh. Nhờ vậy, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể, bình quân mỗi năm sản lượng đạt 13,5 tấn/ha. Chất lượng cũng được nhà vườn đặc biệt chú trọng bằng nhiều giải pháp kỹ thuật, trong đó đáng ghi nhận là áp dụng qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, nên hàng năm trái cây được xuất khẩu càng tăng, nhất là mặt hàng chôm chôm. Nhiều vùng trũng, đất cồn được huyện đầu tư kinh phí hàng năm rất lớn để xây dựng hệ thống đê bao, thủy lợi ngăn mặn, chống lũ, sạt lở. Nhờ đó, một số vùng chủ động được sản xuất.
Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả thế mạnh kinh tế nông nghiệp, Chợ Lách cũng còn rất nhiều khó khăn. Bởi theo đánh giá của huyện, sau hơn 5 năm thực hiện Đề án kinh tế vườn thì cơ cấu chuyển dịch còn rất chậm, đặc biệt là đầu ra của sản phẩm. Nông dân tập trung cho sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng mà chưa chú trọng đầu tư tìm thị trường, chưa gắn kết với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng nông sản. Ngay cả một số mô hình sản xuất theo GAP có hiệu quả về kỹ thuật, năng suất nhưng vẫn chưa tiêu thụ được sản phẩm có giá cao hơn so với sản phẩm sản xuất tự do; chi phí đầu vào từ khâu giống, phân thuốc đến vận chuyển, tiêu thụ là quá cao, dẫn đến nhiều nhà vườn chưa mặn mà với các mô hình mà huyện đã khuyến cáo.
Hiện nay, huyện đang xây dựng và thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn giai đoạn 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó, đến năm 2015 ổn định sản xuất cây giống sản lượng bình quân 15 triệu sản phẩm/năm, 10 triệu sản phẩm hoa kiểng/năm, sản lượng cây trái đạt 104.300 tấn; năm 2020 sản lượng cây trái đạt 117.030 tấn, thu nhập kinh tế vườn của nông dân bình quân 100 triệu đồng/ha/năm. Để đạt năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên, trong những năm tiếp theo, huyện tiếp tục đầu tư đê bao, thủy lợi, đảm bảo 95% diện tích đất nông nghiệp có đê bao khép kín, trong đó có 70% đê bao ổn định. Ngoài sản xuất cây trái, cây giống và hoa kiểng, huyện còn tập trung đầu tư phát triển kinh tế thủy sản 400ha, gia súc, gia cầm 585 ngàn con. Từ việc xác định kinh tế nông nghiệp là chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung các giải pháp về kỹ thuật như hoàn thiện các qui trình kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, tuyển chọn, phục tráng, bảo tồn các giống cây trái, hoa kiểng địa phương kết hợp mở rộng nhập khẩu và ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Tổ chức lại khâu sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, hợp tác, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vận động người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo thêm nhiều nguồn hàng xuất khẩu. Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chú trọng giải pháp thị trường và xúc tiến thương mại. Xây dựng hệ thống liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ trái cây, kết hợp phát triển đồng bộ các kênh tiêu thụ hàng nông sản, quảng bá sản phẩm, thương hiệu trái cây, cây giống hoa kiểng Cái Mơn. Tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP, để đến năm 2020 Chợ Lách cơ bản hình thành được vùng sản xuất chôm chôm, bưởi da xanh xuất khẩu với diện tích 2.000ha, sản lượng 60 ngàn tấn.