Nằm ở hạ nguồn sông Cửu Long, Chợ Lách được bao bọc bởi hai con sông lớn: Hàm Luông và Cổ Chiên. Hàng năm, mặn xâm nhập vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt năm nay mặn xâm nhập sớm và sâu hơn. Để ứng phó, Chợ Lách tập trung kiên cố hóa đê bao, xây dựng các đập tạm ven các nhánh sông có lưu lượng nhiễm mặn cao ở các năm trước, nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Chợ Lách là huyện nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng cây ăn trái, hoa kiểng và cây giống. Khi mặn xâm nhập với độ mặn thấp, người dân sử dụng nước tưới sẽ làm ảnh hưởng khả năng ra hoa và năng suất của cây trồng. Cây giống không chết nhưng có thể rụng lá, chậm phát triển, không đạt chuẩn, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ông Trần Hữu Nghị - chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách cho biết. Địa bàn huyện Chợ Lách cách biển Đông 60km, nguy cơ nhiễm mặn rất cao nếu gió chướng mạnh. Các xã khu vực sông Hàm Luông, Cổ Chiên và xã ven nhánh sông từ huyện Mỏ Cày Bắc sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng. Tình hình nhiễm mặn tùy thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Mưa sớm có thể rửa mặn cho dòng nước, giảm thiệt hại cho người dân.
Hiện nay tình hình mặn ở địa bàn chưa sâu, độ mặn không đáng kể, nhưng những năm trước nước mặn từ 0,5 - 0,7‰ đã ảnh hưởng khoảng 3 ngàn héc-ta và giảm năng suất khoảng 9 ngàn tấn trái cây, 20 ngàn cây giống hoa kiểng các loại, làm thiệt hại khá lớn về kinh tế của người dân. Khu vực nhiễm mặn cao thường tập trung ở ven sông Hàm Luông và Cổ Chiên thuộc các xã Phú Sơn, Hưng Khánh Trung B, Tân Thiềng, Long Thới, Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, các xã còn lại độ mặn nhiễm nhẹ. Huyện thường xuyên thông báo diễn biến độ mặn của nguồn nước để người dân trong huyện kịp thời điều chỉnh trong sinh hoạt và sản xuất. Phòng NN&PTNT khuyến cáo người dân nạo vét mương hoặc sử dụng túi nylon để trữ nước ngọt, tưới cho cây khi mặn thật sự xâm nhập. Để giảm đến mức tối đa thiệt hại do mặn gây ra, tốt nhất các hộ sản xuất nên tăng cường tưới nước vào lúc nước ròng (thủy triều hạ xuống) hay khi nước ngọt hẳn, kết hợp tủ gốc giữ ẩm bảo vệ cây kiểng và cây ăn trái.
Bên cạnh đó, Chợ Lách đang tập trung hoàn chỉnh khu vực đê bao chưa được khép kín, hệ thống các cống rạch ngăn mặn, trữ ngọt trên toàn huyện. Chủ yếu xây dựng đê bao, đập tạm ở các xã từ thị trấn trở xuống, nơi có khả năng mặn xâm nhập cao. Trong đó, huyện tăng cường xây dựng đập tạm Bến Bè, ngăn mặn nhánh sông Ba Vát ở xã Hưng Khánh Trung A. Đây là đập lớn nhất có tác dụng hiệu quả trong công tác ngăn mặn, giữ ngọt của huyện Chợ Lách và một phần của huyện Mỏ Cày Bắc. Hiện nay, đập tạm Bến Bè đang trong giai đoạn thực hiện để đưa vào sử dụng ngăn nước khi có mặn, phục vụ thiết thực cho kế hoạch phòng, chống mặn ở hai huyện của cù lao Minh. Ngoài ra, có trên 10 đập gia cố xây dựng ở vùng ven sông Vàm Xã, Vàm Mơn, Hàm Luông hoàn thành sẽ giảm thiệt hại trên 8 ngàn ha đất sản xuất của người dân quanh vùng.