Chợ Lách tổng kết công tác phòng chống thiên tai

23/05/2020 - 07:18

Ông Phạm Anh Linh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ông Phạm Anh Linh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngày 21-5-2020, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Lách tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, 5 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ 7 tháng cuối năm 2020. Phó Chủ tịch UBND huyện - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phạm Anh Linh đến dự.

Theo báo cáo, vào đầu tháng 8-2019, trên địa bàn một số xã của huyện xảy ra hiện tượng mưa kèm dông lốc, làm tốc mái, hư hại 17 căn nhà của các hộ dân, làm bị thương 1 người, làm gãy đỗ, rụng trái vườn cây ăn trái. Ước thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

Các đợt triều cường trong năm 2019, nhất là đỉnh triều lịch sử cao 2,06m vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2019 đã gây tràn nhiều đoạn đê bao, đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 5km, gây sạt lở đê bao tại các xã: Vĩnh Bình, Tân Thiềng, Sơn Định, Hưng Khánh Trung B, thị trấn Chợ Lách, Long Thới, Phú Sơn. Ước thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm còn xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông tại các cồn và vị trí giáp với sông lớn, làm mất khoảng 1,5 ha đất sản xuất.

Đặc biệt, hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra sớm và lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến toàn huyện, độ mặn cao lịch sử trong nhiều năm qua, khiến cho 40% diện tích của huyện thiếu nước cục bộ và 60% thiếu nước nghiêm trọng.

Mặc dù đã có sự chủ động từ sớm nhưng tình trạng hạn mặn duy trì lâu, kéo dài trên 5 tháng đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp của huyện. Khoảng 10,5ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có 2.772 ha diện tích cây ăn trái và vườn ươm bị thiệt hại từ 30 đến 100%. Tổng thiệt hại về sản xuất ước trên 750 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Anh Linh đề nghị: UBND các xã, thị trấn, ngành chức năng của huyện cần khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hạn mặn, đánh giá cụ thể thiệt hại, hướng dẫn phục hồi và định hướng giải pháp chuyển đổi cây trồng phù hợp. Quan tâm giải pháp xây dựng các công trình ngăn mặn trữ ngọt. Tuyên truyền, phổ biến các mô hình, giải pháp ứng phó hạn mặn hiệu quả; vận động người dân tăng cường các giải pháp dự trữ nước ngọt; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và lấy “phòng” là chính. Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tin, ảnh: Việt Cường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN