Chủ động phòng chống hạn, mặn trong mùa khô

19/03/2010 - 08:49
Nông dân xã Thừa Đức (Bình Đại) thu hoạch cây màu.

Bến Tre nằm trong khu vực hạ nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông, có chiều dài bờ biển 65km. Hằng năm, hiện tượng nhiễm mặn thường xảy ra từ tháng 1 đến tháng 5 (DL). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do lưu lượng nước đầu nguồn sông Cửu Long đổ về ngày càng ít, nên hiện tượng nhiễm mặn ngày càng tăng cao, cả về chiều sâu lẫn nồng độ.

Hiện nay, độ mặn 4%o đã xâm nhập cách bờ biển khoảng 30-40km. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam bộ, nếu mùa khô kéo dài thì nước biển sẽ lấn sâu vào đất liền tại Bến Tre, có thể lấn sâu trên 60km đến địa phận huyện Chợ Lách. Như vậy, nước mặn có thể trực tiếp đe dọa đến 34.405ha cây ăn quả; 21.130ha lúa đông xuân; 49.000ha dừa; 6.900ha mía; 5.128ha rau màu, 278ha hoa kiểng…và hàng chục ngàn hộ dân ven biển.

Để hạn chế thiệt hại, ngay từ cuối năm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo toàn ngành và các huyện, thành phố tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để chuẩn bị đối phó. Chi cục Thủy lợi phối hợp các huyện, thành phố kiểm tra hệ thống thủy lợi đầu mối phục vụ tưới tiêu; vận động nhân dân nạo vét kinh thủy lợi nội đồng để khơi dòng chảy và trữ nước ngọt; thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến mặn tại các cửa sông, chủ động trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trọng điểm như: Dự án nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai; Dự án đê biển Ba Tri; Dự án cấp nước ngọt từ hồ chứa Ba Lai và các công trình thủy lợi, từ nguồn vốn sự nghiệp và cấp bù thủy lợi phí. Công ty khai thác công trình thủy lợi kiểm tra các công trình đầu mối các tuyến kinh dẫn, có kế hoạch sửa chữa ngay những cửa cống, bửng ngăn bị hư hỏng, vận hành đóng mở cống khi có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, đầu tháng 3-2010, Sở cùng các đơn vị trực thuộc tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với các huyện, thành phố. Tại Thạnh Phú, lúa, mía và rau màu không bị ảnh hưởng do đang trong giai đoạn thu hoạch. Riêng dưa hấu, người dân đã chủ động được nước tưới, nên không bị thiệt hại. Ở Bình Đại, lúa đang trổ đều, rất cần nước, nhưng nhờ chủ động phòng chống nên đã có đủ lượng nước cung cấp. Giồng Trôm có hệ thống thủy lợi tốt, nên bảo đảm cung cấp cho hầu hết diện tích lúa đang trổ bông. Riêng vùng cây trái và 1.000ha ca cao đang có nguy cơ bị nhiễm mặn. Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, lúa còn trên đồng khoảng 380ha, đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Thực tế kiểm tra cho thấy nhờ có sự chuẩn bị tốt, nên ảnh hưởng mặn đối với nông nghiệp và đời sống cư dân chưa lớn. Tuy nhiên, Bến Tre là một tỉnh cù lao, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ thống đê bao chưa khép kín, các công trình thủy lợi phần lớn đều xuống cấp, nên nhiều nơi mặn vẫn xâm nhập cục bộ và gây thiệt hại. Nếu như mặn kéo dài thì hơn 1/3 diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông sẽ thiếu nước nghiêm trọng. Hơn 30.000 cây trái, hoa kiểng, cây giống rất nhạy cảm với nước mặn có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn; đàn gia súc, gia cầm thiếu nước, dịch bệnh có thể xảy ra, nguồn cung cấp nước ngọt sẽ cạn kiệt, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân.

Theo ông Huỳnh Kim Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để hạn chế thiệt hại, Sở có nhiều giải pháp, trong đó phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống cống đập Ba Lai, nhằm cung cấp đủ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở khu vực Bắc Bến Tre; tranh thủ mọi nguồn vốn để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao, thủy lợi nội đồng ở các huyện vùng biển, cồn bãi để dự trữ nước ngotỉ; xây dựng các nhà máy nước sạch với qui mô, công suất lớn ở các huyện biển; từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, bố trí thời vụ hợp lý theo hướng tiết kiệm. Cụ thể như trồng giống ngắn ngày, luân canh rau màu sử dụng nước ít trên chân ruộng 3 vụ. Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, ngoài sự tự lực của tỉnh, cần có sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT. Trước mắt, Bộ cần hỗ trợ kinh phí, xăng dầu chống hạn; nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng xung yếu, nâng cấp các nhà máy nước có qui mô nhỏ; đắp đê cục bộ, đập tạm để trữ nước ngọt, ngăn mặn cho từng khu vực, với diện tích mỗi khu vực từ 50-300ha; hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho dân nghèo, gia đình chính sách ở các huyện vùng biển, cồn bãi. Về lâu dài, Sở kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm phê duyệt hệ thống thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre, hỗ trợ vốn đầu tư thực hiện nhanh dự án này để triển khai đồng bộ hệ thống đê bao và các công trình cống ngăn mặn, trữ ngọt. Đối với khu vực Nam Bến Tre, Sở đang khảo sát, lập dự án hệ thống thủy lợi cống Cái Quao, dự kiến tháng 6-2010 trình UBND tỉnh phê duyệt. Nếu dự án này được sớm đầu tư, sẽ có hiệu quả lớn cho huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Sở cũng tiếp tục đầu tư hệ thống đê bao ngăn mặn cho vườn cây trái ven sông, đê bao ven các con sông lớn; mở rộng, nâng cấp các nhà máy nước sạch, đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Bài, ảnh Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN