Sạt lở làm dừa bị trốc gốc trôi sông. Ảnh: Đ. Chính
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến ngày 31-8-2018, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,2m (trên báo động 2 là 0,2m); ngày 12 đến 14-9-2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (tại Tân Châu 4,5m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao, đây là đợt lũ sớm hơn trung bình nhiều năm và khả năng còn diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại do lũ, triều cường gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh có Công điện số 02/CĐ-PCTT đề nghị UBND các huyện, thành phố; các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thực hiện một số nội dung sau:
Thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 45/CĐ-TW ngày 27-8-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN về việc chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
UBND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành có liên quan chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao; bờ bao (nhất là tuyến đê bao các cồn); cống dưới đê; khu vực đã, đang và có nguy cơ bị sạt lở..., không để xảy ra trường hợp vỡ đê. Chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập, sạt lở... để đảm bảo an toàn.
Tổ chức, chỉ đạo lực lượng xung kích PCTT cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tại cấp xã, ấp và sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Bộ Chỉ huy Quản sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để kịp thời chi viện, hỗ trợ cho các huyện, thành phố khi có yêu cầu, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu, các cồn có nguy cơ bị ngập, sạt lở, vỡ đê.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn, vận hành, điều tiết nước phù hợp với tình hình mưa, lũ, triều cường; kiểm tra các tuyến đê sông (do công ty quản lý), đồng thời có phương án xử lý, khắc phục ngay những hư hỏng (nếu có), hạn chế thiệt hại do lũ, triều cường gây ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa Hè Thu, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ, có nguy cơ cao bị ngập; khẩn trương thực hiện các biện pháp chống ngập đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông và các cây trồng khác.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, tuyên truyền đến chủ các phương tiện hoạt động trên sông; bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch; các phương tiện vận tải... phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn trước khi xuất bến.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các giải pháp để phòng tránh đuối nước cho học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre kịp thời dự báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, triều cường để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng tránh, ứng phó. Đài Truyền thanh địa phương thường xuyên cập nhật, thông tin về diễn biến tình hình mưa lũ, triều cường đến các cấp chính quyền địa phương và người dân để chuẩn bị phòng tránh, ứng phó...
Huỳnh Anh