Chủ động tiêm ngừa vắc-xin để phòng bệnh

21/08/2020 - 07:09

BDK - Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tiêm ngừa một số loại vắc-xin phòng bệnh tại tỉnh chưa đạt yêu cầu, trong đó có vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay, bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước, khả năng lây lan, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao.

Đưa trẻ tiêm phòng tại Trạm Y tế xã An Ngãi Trung (Ba Tri).

Đưa trẻ tiêm phòng tại Trạm Y tế xã An Ngãi Trung (Ba Tri).

Nguy cơ bùng phát

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ tiêm nhắc vắc-xin DPT4, MR (vắc-xin để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) cho trẻ 18 - 24 tháng tuổi; tiêm BCG (vắc-xin ngừa bệnh lao) và tiêm ngừa uốn ván cho phụ nữ có thai chưa đạt tiến độ và giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trong giai đoạn dịch Covid-19, người dân ngại đến cơ sở y tế.

Theo đánh giá của ngành y tế, nhiều bằng chứng trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy rõ ích lợi của tiêm chủng, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, loại trừ cũng như thanh toán nhiều bệnh nhiễm trùng nhờ tiêm vắc-xin phòng bệnh. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo, không đưa trẻ đi tiêm ngừa khả năng dẫn đến trẻ dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm và hậu quả có thể bị tàn phế, thậm chí là tử vong. Việc dừng tiêm vắc-xin sẽ làm dịch bệnh bùng phát trở lại, là gánh nặng cho xã hội.

Sau khi một số tỉnh ở Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh ghi nhận bệnh bạch hầu, đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm đủ mũi vắc -xin phòng bệnh. Điều này phần nào minh chứng, việc trì hoãn và bỏ hoặc dừng tiêm vắc-xin DPT4, MR là người dân đã tự từ chối cơ hội bảo vệ cho trẻ. Bởi, bệnh bạch hầu khá nguy hiểm. Khi người bệnh nhiễm phải vi khuẩn bạch hầu vừa bị nhiễm trùng vừa nhiễm độc, gây các tổn thương nghiêm trọng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị trễ. Đây là bệnh cấp tính, có giả mạc ở vùng hầu họng. Bệnh lâm sàng có các biểu hiện về thần kinh, viêm cơ tim, gây tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 10%.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Hữu Định, bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác. Bệnh bạch hầu có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc-xin để tăng cường miễn dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng.

Chủ động phòng bệnh

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Hữu Định khuyến cáo, người dân hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván... lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Bởi đây là thời điểm vàng để vắc-xin phát huy tối đa tác dụng bảo vệ sức khỏe trẻ. Nếu liều vắc-xin nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm lại vào thời gian sau đó. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.

Người dân chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin để phòng bệnh.

Người dân chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin để phòng bệnh.

Người dân tuyệt đối không vì bất kỳ lý do nào mà bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng cho trẻ, gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ, đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ là trách nhiệm xã hội của mỗi người dân.

Để chủ động phòng tránh bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đặc biệt, chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh luôn là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Vắc-xin bạch hầu có trong các vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1, dành cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi.

Bên cạnh đó, người dân không tự ý cho trẻ uống thuốc tại nhà mà nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế khi trẻ có các dấu hiệu sốt, ho… nhằm kịp thời phát hiện bệnh cũng như phòng tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh do uống không đúng liều, đúng loại.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Hữu Định cho biết, ngoài tiêm ngừa đúng lịch của chương trình tiêm chủng ở địa phương, người dân chú ý không đến các khu vực mắc bệnh. Khi đến phải thực hiện khai báo y tế để có giải pháp phòng, ngay cả việc uống thuốc ngừa khi có tiếp xúc với ca bệnh. Đối với trẻ chưa được tiêm ngừa đầy đủ hoặc chưa được tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu thì hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm nhắc lại cho các bé đầy đủ.

“Hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân không vì thế mà tự ý trì hoãn việc tiêm phòng, cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế địa phương như: đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, đi tiêm đúng giờ mà cán bộ y tế ghi trên thư mời để hạn chế việc tụ tập đông người nơi công cộng”.

(Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Hữu Định)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích