|
Bác sĩ tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu chăm sóc trẻ bị bệnh tay - chân - miệng. |
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ thay đổi là điều kiện thuận lợi để các vi-rút gây bệnh phát triển, gây hại sức khỏe con người. Chủ động tiêm ngừa đầy đủ các vắc-xin là giải pháp phòng bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Sau thời gian dài tiêm ngừa cơ bản, tiêm nhắc và mở rộng cho trẻ, các bệnh truyền nhiễm vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh phát hiện 70 ca dương tính sởi. Những tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 5 ca bệnh sởi; các bệnh tay - chân - miệng, thủy đậu, quai bị, tiêu chảy cũng được ghi nhận tại các bệnh viện. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng, các siêu vi gây bệnh truyền nhiễm bùng phát và tấn công nhiều nhất ở người có sức đề kháng thấp. Bệnh xuất hiện với những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe con người, có trường hợp dẫn đến tử vong.
Ông Hồ Trung Tuyến - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tính đến ngày 24-3-2015, toàn tỉnh có 449 ca tay - chân - miệng, giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước; 136 ca quai bị, tăng 112 ca so với năm trước; riêng thủy đậu đã ghi nhận 82 ca (cuối tháng 2-2015). Vừa qua, xuất hiện các ổ dịch bệnh quai bị tại một số trường học trên địa bàn TP. Bến Tre và xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách. Nguyên nhân chính do thời tiết nóng oi là môi trường thuận lợi để các siêu vi gây hại bùng phát. Ngoài ra, còn do thói quen sinh hoạt của người dân.
Trong mùa nắng, các bệnh chủ yếu về đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm (thủy đậu, rôm sảy, bệnh chốc, nhọt da) bệnh về đường hô hấp (viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản). Ông Tuyến cho biết thêm, mùa hè có rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra cho mọi đối tượng. Các bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời, dễ dàng lây cho cộng đồng qua đường hô hấp.
Trong môi trường sống hàng ngày, nhiều tác nhân gây bệnh tồn tại, đặc biệt các loại thức ăn đường phố không hợp vệ sinh. Thời tiết nắng nóng làm thức ăn dễ bị ôi thiu, môi trường ô nhiễm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Trong điều kiện thích hợp, các bệnh truyền nhiễm thường lây lan nhanh. Để tránh các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng, các bác sĩ đã khuyến cáo người dân giữ vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh tay bằng xà phòng sát khuẩn trước và sau khi ăn. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc hay bị hư thiu và uống đủ nước.
Đối với trẻ em, cần tập cho trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch sẽ và đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Từ đó, tạo thói quen giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu. Điều quan trọng là uống đủ nước, hạn chế ra đường quá lâu lúc trời nắng nóng và thay đổi không khí nóng, lạnh đột ngột.
Theo ông Tuyến, để bảo vệ sức khỏe của gia đình, người thân, mỗi cá nhân phải biết các dấu hiệu của bệnh để phát hiện sớm, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, cần có sự quan tâm ban đầu bằng cách tiêm chủng vắc-xin đầy đủ cho trẻ. Hiện tại, có những bệnh truyền nhiễm không có thuốc điều trị như thủy đậu, sởi - rubella… Biện pháp phòng bệnh trước tiên, người dân chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế địa phương tiêm chủng ngăn ngừa mầm bệnh phát sinh. Đồng thời cần tiêm phòng một số bệnh cho trẻ như: sởi, quai bị, thủy đậu, ngừa tiêu chảy, chích ngừa cúm hàng năm… để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cho cả cộng đồng.