Chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai, bão lũ

03/04/2015 - 07:44

Khảo sát nước ngọt phục vụ dân sinh ở huyện Ba Tri. Ảnh: HH

Bến Tre thuộc hạ lưu sông Cửu Long, phía Đông tiếp giáp Biển Đông, có chiều dài bờ biển 65km. Do đặc điểm địa hình phức tạp, cùng với thời tiết diễn biến ngày càng gay gắt, cực đoan nên hàng năm các loại thiên tai như áp thấp nhiệt đới, bão, sạt lở đất, triều cường, xâm nhập mặn… tác động rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Năm 2014, xâm nhập mặn không diễn biến gay gắt, độ mặn thấp hơn trung bình nhiều năm do lượng nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về lớn. Mặn xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng rưỡi nên ít ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong năm đã có 6 cơn bão và 2 đợt áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông.

Để đối phó với thiên tai, bão lũ, Trung ương, tỉnh, địa phương đã hỗ trợ nhiều nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn, góp phần ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên cập nhật, bổ sung phương án, kế hoạch di dân; phòng, chống, ứng phó thiên tai; kiểm tra các công trình thủy lợi mùa mưa bão; tổ chức diễn tập tại 13 xã và 1 huyện với 1.800 người dự; mở 30 lớp tập huấn phòng, chống thiên tai với 665 cán bộ tham dự, chủ yếu thuộc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; tăng cường kiểm tra kỹ thuật, trang thiết bị an toàn tàu cá, đã kiểm tra 2.916 lượt phương tiện; triển khai thành lập 138 tổ hợp tác khai thác trên biển, trong đó có 583 hộ và 1.097 tàu cá tham gia.

Đặc biệt, tỉnh thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, chủ động phòng tránh đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lũ và thiên tai khác. Làm tốt thông tin, kêu gọi tàu thuyền vào bờ khi có bão; đã hướng dẫn cho 6.154 lượt phương tiện, 24.413 lượt ngư dân đang hoạt động trên biển nắm chắc diễn biến của bão để chủ động phòng tránh hiệu quả, kịp thời; khảo sát đánh giá tình hình thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Hỗ trợ di dời 38 hộ dân do bị sạt lở đất với tổng kinh phí 760 triệu đồng, đang tiếp tục xem xét hỗ trợ di dời 25 hộ khác.

Mặc dù công tác phòng, chống đã được tỉnh đặc biệt quan tâm nhưng triều cường dâng cao đã gây ngập úng, sạt lở đất làm thiệt hại 89 căn nhà, gây tràn và sạt lở 4.525m đê bao; 66.177m đường giao thông nông thôn; sạt lở mất 4,5ha đất ven biển, tổng thiệt hại khoảng 41 tỷ đồng.

Năm 2015, tình hình xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp. Đầu tháng 1, độ mặn cao nhất tăng đột ngột và ở mức rất cao. Độ mặn 4%o trên các sông chính đã xâm nhập sâu vào các cửa sông khoảng 50km và gây ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân. Tổng diện tích xuống giống 17.200ha, trong đó diện tích bị mất trắng 26ha, giảm năng suất 390ha; có 40ha giảm năng suất từ 30 - 70%; còn lại đều trong giai đoạn làm đòng, trổ chín, có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nếu mặn xâm nhập sâu và kéo dài.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, thời gian tới, mặn sẽ còn diễn biến phức tạp, gay gắt và có khả năng kéo dài đến tháng 5 âl nếu mùa mưa đến muộn. Do vậy, việc phòng, chống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Để công tác phòng, chống đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh chỉ đạo ngoài phòng, chống hạn, mặn, cần tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm: chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính; tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão.

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN