|
Giờ phát thuốc tại bệnh viện. |
Tôi mượn câu Kiều này như lời thân tặng, như một sự sẻ chia sâu sắc đến tập thể đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện - những người luôn dành tình cảm hơn cả “mẹ hiền”, hàng ngày, hàng giờ chăm sóc những “đứa con đặc biệt” của mình. Họ đang cố níu kéo “những đứa con đặc biệt của mình” sống trong thế giới ảo về với đời sống thực.
Bệnh viện Tâm thần (gọi tắt là BV) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2009 - được tách ra từ khoa Tâm thần của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, nằm cách trung tâm TP. Bến Tre hơn chục kilômet, tọa lạc tại xã Hữu Định (Châu Thành). BV có qui mô 150 giường, với đầy đủ các phòng chức năng. Theo lời bác sĩ Nguyễn Văn Êm - Phó Giám đốc, thời gian đầu đi vào hoạt động, BV gặp không ít khó khăn, bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú ngày càng đông trong khi đội ngũ y, bác sĩ còn quá mỏng, trình độ chuyên môn chưa cao (đa phần là y, bác sĩ đa khoa, chưa có chuyên môn về tâm thần). Tuy nhiên, với nhiệt huyết, lòng yêu nghề và y đức, tập thể cán bộ, công nhân viên của BV từng bước khắc phục được những yếu kém, phục vụ ngày càng tốt hơn. Hiện công tác đào tạo y, bác sĩ chuyên khoa đang được BV chú trọng (hơn hai năm qua, đã có nhiều y, bác sĩ được đưa đi đào tạo chuyên môn ở tuyến trên - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 - Biên Hòa). Là BV điều trị và chăm sóc những bệnh nhân “đặc biệt” nên công việc hàng ngày của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng cũng khá vất vả, không chỉ thuốc thang, ăn uống, tắm rửa, tập vật lý trị liệu… (phải luôn theo dõi chặt chẽ từng bệnh nhân một), mà còn đòi hỏi phải nắm chắc được “tâm bệnh” của mỗi bệnh nhân. Bác sĩ Êm cho biết: Trời mát thì đỡ, chứ trời nắng rất khó cho các điều dưỡng trong việc chăm sóc, phải dùng lời nói nhẹ nhàng, ngọt ngào mới được. Hoạt động của BV cũng như các bệnh viện khác, tuy nhiên, ở đây các y, bác sĩ, điều dưỡng khá nhọc nhằn về mặt tinh thần, phải biết hòa mình vào thế giới của người bệnh để hiểu và chăm sóc tốt hơn. Đây cũng là một liệu pháp để trị bệnh, gọi là tâm lý trị liệu.
Theo chân bác sĩ Êm, tôi xuống các khoa điều trị khi tới giờ cơm, giờ phát thuốc cho bệnh nhân. “Chào chú”, “Chào thầy”. Những câu ấy, luôn được bác sĩ Êm chào lại bằng giọng rất ngọt ngào. Một dược sĩ đang chuẩn bị đơn thuốc bảo với tôi rằng, từ sáng sớm, các bệnh nhân đã tập thể dục, rồi ca hát tại chỗ, đi vệ sinh xong là tới giờ cơm, giờ thuốc. Khi vào làm việc ở đây, các y, bác sĩ phải chuẩn bị cho mình một tâm lý thật vững, phải biết đồng cảm và chia sẻ thì mới làm việc lâu dài được. Tâm thần cũng là bệnh như những căn bệnh khác mà thôi.
“Nhất Lao, nhì HIV, ba Tâm thần. Ba lĩnh vực này rất “kén” bác sĩ trẻ. Để thu hút lực lượng này về với BV là rất khó. Hiện nay, ngành có ưu đãi (hưởng trợ cấp 70% lương) nhưng cũng không thu hút được nhiều” - bác sĩ Êm tâm sự. Bệnh tâm thần có nhiều dạng, có bệnh chỉ điều trị một lần là hết. Do tâm lý của người thân, do phát hiện quá muộn, do phân biệt đối xử mà diễn biến bệnh ngày càng trầm trọng thêm. Ngày nay, người thân bệnh nhân có ý thức, cởi mở hơn, đã sớm đưa con em mình nhập viện điều trị. Vì vậy, bệnh viện với sức chứa 150 giường vẫn thường xuyên bị quá tải (không chỉ bệnh nhân trong tỉnh mà còn ở các tỉnh lân cận). “Hiện bình quân số bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú tại bệnh viện từ 130-150 người. Mùa nắng có khi quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ còn mỏng, ngành cần có khuyến khích, ưu đãi hơn để thu hút y, bác sĩ trẻ về công tác ở lĩnh vực này”- bác sĩ Êm đề đạt nguyện vọng như vậy.