Xuất ngũ sau gần 10 năm phục vụ trong quân đội, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng với ý chí của người lính, ông đã vươn lên vượt khó, làm giàu.
Đó là ông Nguyễn Văn Quyết, ở ấp Hưng Thạnh, xã Châu Hưng (Bình Đại) hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Châu Hưng. Tham gia kháng chiến vào năm 1971, chỉ 4 năm chiến đấu nhưng có đến 2 lần ông bị thương và đứa con gái đầu lòng bị nhiễm chất độc da cam. Ngày ông xuất ngũ cũng là lúc vợ ông mắc phải căn bệnh ung thư. Ông phải bán 7 công đất ruộng của cha mẹ để lại để chạy chữa cho bà. Khi tài sản trong nhà vừa hết thì bà cũng ra đi vĩnh viễn, để lại cho ông 3 đứa con thơ dại. Cuộc sống gia đình vốn khó khăn giờ lại khó khăn hơn. Trước hoàn cảnh đó, chính quyền địa phương xét cấp cho ông 3 công đất vườn tạp. Đất ở Châu Hưng bị nhiễm phèn mặn, trồng cây gì hiệu quả cũng không cao, trong khi đó gia đình lại không có vốn, nên ông cải tạo trồng màu, kết hợp với chăn nuôi. Ông miệt mài lao động ngày đêm cộng với những năm gần đây hệ thống cống đập Ba Lai phát huy hiệu quả, cung cấp nước ngọt quanh năm, cây trồng bắt đầu phát triển. Ông mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả, thu nhập khá hơn, ông tích lũy mua thêm đất sản xuất. Đến nay, gia đình có 12 công đất vườn trồng bưởi da xanh xen dừa xiêm và mít siêu sớm, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quyết say mê tìm tòi học hỏi những mô hình hay để áp dụng cho gia đình mình và nhân rộng cho hội viên. Vườn nhà ông luôn có những giống mới như: dừa xiêm dứa, ổi không hạt, mít siêu sớm, chuối xiêm lùn… được ông đem về từ các điểm tham quan. Ngoài ra, ông còn học tập và xây dựng vườn dơi để lấy phân. Sau khi xây cất chuồng dơi, nhiều người cho ông làm chuyện “hoang đường” vì có dơi đâu mà lấy phân. Đến nay, sau hơn 10 năm gầy dựng, hiệu quả từ vườn dơi mang lại khá bất ngờ. Cứ 1 ngày đêm ông thu được 1 giạ phân dơi. Từ nguồn phân này, ông bón cho cây xanh và bán được hàng trăm giạ, với giá 120 ngàn đồng/giạ.
Song song với việc lao động sản xuất, ông Quyết còn dành nhiều thời gian cho công tác Hội CCB. Hơn 10 năm qua, Hội CCB xã Châu Hưng đều đạt đơn vị vững mạnh. Với vai trò là Chủ tịch Hội, ông luôn suy nghĩ làm cách để hội viên cũng như đồng đội của mình có cuộc sống khá hơn, không còn nghèo khổ. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông đã vận động hội viên vượt khó để vươn lên, đồng thời trao đổi, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật cho hội viên áp dụng vào sản xuất. Đến nay, nhiều hội viên đã cải tạo vườn tạp thành vườn cây chuyên canh như: nhãn, bưởi da xanh và trồng xen mít siêu sớm trong vườn dừa. 2 tổ lao động được thành lập, với gần 100 người có việc làm thường xuyên; nhờ đó, nhiều Hội CCB vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.