Chiều 16-7, tại TP HCM, Hội đồng Doanh nhân APEC khai mạc kỳ họp thứ 3 - ABAC 2012. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu khai mạc.
Kỳ họp thứ 3 ABAC 2012 với chủ đề “Khát vọng thành hiện thực”. Đây là kỳ họp quan trọng nhằm hoàn thiện các báo cáo và chuẩn bị các nội dung mà ABAC sẽ khuyến nghị, đệ trình lên lãnh đạo APEC trong cuộc đối thoại vào tháng 9 tới tại Nga. Việt Nam ủng hộ các khuyến nghị của ABAC về tăng cường hội nhập, thúc đẩy tự do hóa đầu tư và thương mại, kết nối chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh… trong 2 kỳ họp trước đó.
Tại kỳ họp này, Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp APEC cần có biện pháp, hành động để phát triển hạ tầng, tăng tính kết nối của các nền kinh tế trong khu vực, tạo điều kiện để để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nền kinh tế đang phát triển có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Hiện nay, đối với Việt Nam, quan hệ hợp tác với các nền kinh tế APEC có vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể, các nước thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 65% vốn FDI, cung cấp 80% các sản phẩm nhập khẩu, 75% lượng khách du lịch và là thị trường cho 60% lượng hàng xuất khẩu.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới trì trệ, giao dịch thương mại suy giảm, tài chính tòan cầu bất ổn, một số nền kinh tế có xun hướng áp dụng các biện pháp bảo hộ và rào cản thương mại. Hơn bao giờ hết, APEC cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, hành động mau chóng và quyết liệt trên các cấp độ quốc gia, khu vực để đẩy mạnh liên kết, thúc đẩy kinh tế khu vực phục hồi và phát triển.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ việc APEC cần thể hiện vai trò đi đầu trong tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực để vươn tới các mục tiêu và tầm nhìn của khu vực, tự do mậu dịch của châu Á, Thái Bình Dương FDA”.
Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, từ năm 2009 Việt Nam sáng kiến P4 và hiện đang tham gia tích cực các vòng đàm phán TPP nhằm đạt được mục tiêu mà lãnh đạo TPP đã ra. Việt Nam và các bên tham gia TPP hiện đang tích cực thúc đẩy đàm phán, mở cửa thị trường và đến nay đã tiến hành trao đổi. các bản sửa đổi có yếu tố mở của thị trường như thuế, dịch vụ và đầu tư, mua sắm công, dịch vụ tài chính v.v… nhằm tìm giải pháp thúc đẩy mức độ tự do hóa phù hợp với mục tiêu đặt ra cho Hiệp định TPP.