Tại đây, Chủ tịch nước đã tới thăm và nói
chuyện với bà con ngư dân cùng cán bộ chiến sĩ huyện đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền
tiêu của Tổ quốc, nơi gắn liền với truyền thống của hải đội hùng binh Hoàng Sa.
Ngay khi đặt chân đến huyện đảo Lý Sơn, Chủ
tịch nước đã đến dâng hương tại Âm linh tự, được xây dựng cách đây gần 300 năm,
nơi thờ tự các nghĩa sĩ Hoàng Sa đã có công cắm mốc, dựng bia chủ quyền tại
quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, dưới thời nhà Nguyễn.
Tại xã An Hải, Chủ tịch nước đã nghe lãnh đạo xã báo cáo tình
hình kinh tế xã hội. Là một trong hai xã trọng điểm về kinh tế biển của huyện
đảo Lý Sơn, hiện An Hải có 2800 nhân khẩu, trong đó 60% dân số sống bằng nghề
cá. Hơn 100 tàu thuyền, sản lượng đánh bắt 17.000 tấn hải sản các loại. Trên
huyện đảo 50 hộ nuôi trồng tôm hùm, cá mú...
Những năm qua, ngư dân An Hải, Lý Sơn đã kiên
trì ra khơi bám biển, đánh bắt hải sản tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Ngoài khó khăn do thiên tai, hoạt động của người dân cũng gặp trở ngại khi bị
tàu nước ngoài xua đuổi, đập phá ngư cụ...
Xúc động được gặp Chủ tịch nước, đại diện các
hộ ngư dân bày tỏ mong muốn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước:
từ việc lựa chọn quy mô, chủng loại tàu bè; đến bảo vệ môi trường, trùng tu di
tích trên huyện đảo cần sát thực tế hơn, dễ phát huy hiệu quả.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trở lại thăm
huyện đảo Lý Sơn và được chứng kiến những đổi thay nhiều mặt của Huyện đảo. Chủ
tịch đánh giá cao chính quyền, người dân và lực lượng vũ trang đã chăm lo đời
sống người dân, nâng cấp hạ tầng điện đường, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo
điều kiện tàu bè ra vào tấp nập.
Nhấn mạnh vị trí chiến lược quan trọng của Lý
Sơn, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, hướng
tới tầm phát triển nhìn xa trộng rộng; giúp Lý Sơn trong tương lai không chỉ
giàu mà còn đẹp. Để phòng chống biến đổi khí hậu, huyện đảo Lý Sơn cần lựa chọn
cây trồng phù hợp, để bảo vệ môi trường, đẩy mạnh phát triển du lịch và phát
triển nghề cá.
Ghi nhận những kiến nghị chính đáng của bà con
về hỗ trợ phương tiện, ngư cụ, Chủ tịch nước đề nghị các cấp chính quyền tạo
điều kiện hỗ trợ giúp bà con yên tâm bám biển vừa phát triển kinh tế vừa đảm
bảo an ninh quốc phòng.
Trực tiếp thăm và trò chuyện với nông dân trên
cánh đồng trồng tỏ, trồng đậu, Chủ tịch nước chia sẻ với những khó khăn của bà
con khi năm nay thiên tai đã ảnh hưởng đến mùa màng làm giảm năng suất cây
trồng.
Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Quảng Ngãi và Bộ
NN&PTNT bên cạnh phát huy cây thế mạnh như tỏi thì cũng cần nghiên cứu bổ
sung cây trồng, vật nuôi, xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông
nghiệp, đồng thời có cơ chế hỗ trợ nông dân trồng tỏi vượt qua khó khăn để tiếp
tục sản xuất các mùa vụ tiếp theo.
Cũng tại Lý Sơn, Chủ tịch nước đã tới thăm, động viên cán bộ
chiến sĩ Trạm Rada T18 thuộc Trung đoàn 47, Bộ tư lệnh Hải quân. Biểu dương
tinh thần tích cực trong huấn luyện, sẵn sàng trong chiến đấu bảo vệ vùng trời
vùng biển của Tổ quốc. Chủ tịch nước tin rằng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị sẽ
tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi
biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
|
Chủ tịch nước thăm các chiến sĩ Trạm Rada T18 |
Nhân dịp này, Chủ tịch nước trồng cây bàng
vuông tại Trạm Rada T18, và tặng quà cho một số đối tượng chính sách và người
có công trên đảo.
Ngoài ra, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã
tới thăm Công ty Cổ phần mía đường Quảng Ngãi.
Cuối buổi chiều 22-2, làm việc với lãnh đạo
chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch nước cho rằng Quảng Ngãi là địa phương có
bước chuyển mình khá mạnh; tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tích cực, hiện
nay khu vực nông nghiệp chỉ còn chiếm 15%; GDP duy trì ở mức trên 10% nhiều
năm qua, tại địa phương đã hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp tầm cỡ
quốc gia; kinh tế biến được chú trọng và phát triển khá nhanh đúng theo tinh
thần chiến lược biển. Đây là những tiền đề để Quảng Ngãi có những bước phát
triển nhanh hơn và đi sâu vào chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là cần tiếp tục
tìm những mũi đột phá mới hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp. Chủ
tịch nước nhấn mạnh, đây là vấn đề sống còn không chỉ của riêng Quảng Ngãi mà
của cả nước trong bối cảnh hội nhập.
Chủ tịch nước nhận xét nếu nhìn kĩ vào cơ cấu
GDP thì bình quân không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, giữa các địa phương
trong tỉnh. Chủ tịch nước đề nghị trong bối cảnh hội nhập nhanh, thì thời gian
là một trong những yếu tố quyết định thành công hay đổ vỡ, do vậy tỉnh cần kiểm
kê, tính toán để nhanh chóng tập trung thúc đẩy cho những lĩnh vực, sản phẩm có
khả năng cạnh tranh được.
Chủ tịch nước cũng cho rằng đối với các chương trình mục tiêu
quốc gia như mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hay chương trình đánh bắt, chế
biến thủy hải sản cần kiên trì theo đuổi. Tái cơ cầu nông nghiệp gắn với nông
thôn mới cũng là những chương trình cần tập trung triển khai sơm. Song song với
nỗ lực của địa phương, Trung ương sẽ kịp thời ban hành những chính sách mới phù
hợp với đòi hỏi của thực tiễn./.