Thị trấn Chợ Lách là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Từ nhiều năm qua, đặc biệt là sau khi tiếp thu Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy “Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tiếp tục được phát huy, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của các cấp, Đảng ủy thị trấn đã cụ thể hóa, triển khai chương trình hành động cụ thể trong hệ thống chính trị và nhân dân. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất cao việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thị trấn lồng ghép việc thực hiện Nghị quyết 04 và nhiệm vụ đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đảng ủy luôn có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động xã hội hóa trong công tác đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Song song đó, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tích cực đổi mới phương thức hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; tập trung thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… từ đó cải thiện trí lực và thể lực nguồn nhân lực.
Nhìn chung, nguồn nhân lực địa phương đã được đào tạo cơ bản, có trình độ và kỹ năng nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý từng bước được sắp xếp theo chuyên môn hóa. Tất cả có trình độ chính trị sơ cấp trở lên, chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp đến đại học. Lao động khu vực nông thôn được đào tạo, dạy nghề và truyền nghề, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng, may gia công, thương mại, dịch vụ, hợp tác lao động ngoài nước... Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng phi nông nghiệp (trên 64%). Trên 96% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Tỷ lệ người không có việc làm thường xuyên đã giảm gần 4%...
Tuy nhiên, lao động chưa qua đào tạo còn cao; trình độ, năng lực của một số cán bộ quản lý và kinh phí đào tạo nâng chất nhân lực còn hạn chế; các ngành nghề mới, ngành nghề sử dụng nhiều lao động chưa được đầu tư; việc thu hút, sử dụng nhân tài còn bất cập…
Thời gian tới, thị trấn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhất là cán bộ quản lý; huy động các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề mới, ngành nghề sử dụng nhiều lao động…