Đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch không bị nhiễm mặn, bài 4:

Chung tay giữ sạch nguồn nước trữ

12/03/2021 - 07:01

BDK - Hàng loạt cống kiểm soát mặn đã đóng tạm. Nguồn nước ngọt được trữ lại nhưng đang xảy ra tình trạng ô nhiễm. Bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân gây ra do xả rác thải, nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất xuống sông, kênh, rạch.

Nước ngọt bên trong cống Sa Kê có màu xanh và rất ít rác, không còn tình trạng xác súc vật chết tấp vào. Ảnh: T. Thảo

Nước ngọt bên trong cống Sa Kê có màu xanh và rất ít rác, không còn tình trạng xác súc vật chết tấp vào. Ảnh: T. Thảo

Nguồn nước ô nhiễm

Đợt hạn mặn năm 2020, khi tỉnh vận hành các đập tạm ngăn mặn trên địa bàn xã Sơn Đông (TP. Bến Tre) và Châu Thành, nhiều tuyến kênh, rạch trong tỉnh cùng chung số phận ô nhiễm. Đơn cử, tại khu vực đập tạm trên sông Ba Lai, các thông số vượt so với quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A1 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Trưởng phòng Quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Văn Ngoan cho biết, chất lượng nước mặt trong khu vực đập tạm được đánh giá thông qua các thông số: pH; độ oxy hòa tan (DO); tổng chất rắn lơ lửng (TSS); độ mặn; độ đục; nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5), nhu cầu oxy hóa học (COD); amoni (N-NH4+ ); nitrat (N-NO3- ); nitrit (N-NO2- ); phosphat (P-PO43- ); sắt (Fe); tổng dầu, mỡ; T.Coliform; E.Coli.

“Kết quả phân tích mẫu tại 7 vị trí quan trắc khu vực đập tạm trên sông Ba Lai ngày 4-5-2020 cho thấy, giá trị độ mặn trong khoảng 4,2 - 4,9mg/l. Tại tất cả vị trí quan trắc, các thông số đều có giá trị vượt so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A1 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Đối với thông số oxy hòa tan (DO), tại 2 vị trí cầu Ba Lai (xã Tân Phú) và cầu Kênh Xáng (xã Quới Thành) có giá trị DO không đạt quy chuẩn cho phép. Thông số TSS và T. coliform vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn”, ông Ngoan thông tin.

Năm 2021, tỉnh vận hành tạm hàng loạt cống, đập kiểm soát mặn. Từ đó, phát sinh những xung đột trong cấp nước sạch và xả nước thải, xung đột trong “được - mất” ở các mô hình sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nước lợ, mặn, ngọt. Hơn 1 tháng gần đây, nước kênh Sa Kê, đoạn chảy qua xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam chuyển từ màu đục phù sa sang màu xanh ve chai rồi đen và bốc mùi hôi. Nguồn nước được Công ty TNHH Cấp thoát nước Mỏ Cày bơm lên xử lý và cung cấp cho 7 ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc và 14 ngàn hộ dân huyện Mỏ Cày Nam, đồng nghĩa với việc khoảng 2/3 số hộ dân sử dụng nước máy trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam đang trực tiếp ăn uống, tắm rửa từ nguồn nước kênh Sa Kê.

Trước thực trạng đó, người dân xã Tân Hội đã phản ánh đến chính quyền địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Tân Hội Nguyễn Văn Trung cho biết: “Những ngày qua, nhiều người dân đến UBND xã phản ánh nước kênh Sa Kê bị đen. Tôi đã chỉ đạo UBND xã nắm tình hình. Sau đó, UBND xã có liên hệ với Phòng TN&MT huyện Mỏ Cày Nam. Phòng TN&MT huyện đã cử người xuống thị sát dòng kênh Sa Kê và lấy mẫu nước xét nghiệm trên cơ sở khoa học xác định nguồn nước có ô nhiễm hay không”.

Ngày 10-3-2021, ghi nhận tại cống Sa Kê, nước ngọt bên trong cống có màu xanh, mực nước cạn hơn phía ngoài cống. Không có xác súc vật chết, rất ít rác tấp vào miệng cống. Anh Hồ Trọng Thi - cán bộ kỹ thuật thi công cống Sa Kê cho hay: Những ngày đầu tháng 1-2021, khi mới đóng cống Sa Kê, xác súc vật chết như heo, chó, gà từ thượng lưu (phía bên trong cống chứa nước ngọt dự trữ) trôi về tấp ở miệng cống rất nhiều và bốc mùi hôi khiến công nhân không thể làm việc được trong mấy ngày. Sau đó, có người đến vớt các xác súc vật chết đem đi. Từ cuối tháng 1 đến nay, nước bên trong cống rất ít rác, không còn tình trạng súc vật chết trôi sông tấp về nữa.

Theo anh Hồ Trọng Thi, nguyên nhân dòng kênh Sa Kê ngày càng sạch sẽ là do người dân gần miệng cống Sa Kê nhìn thấy sự ô nhiễm của kênh nên bắt đầu có ý thức giữ gìn; mặt khác, người dân phía thượng lưu ban đầu không biết cống đóng nên vô tư xả rác, sau đó họ biết nên không xả rác nữa.

Trên địa bàn TP. Bến Tre, 10 cống thuộc hệ thống cống Bắc Bến Tre đã đóng tạm. Cống then chốt trữ ngọt là cống Sông Mã (xã Bình Phú) cũng đã ngăn dòng giúp cư dân thành phố có phần “yên ổn” trong mùa mặn năm 2021. Tuy nhiên, rạch Ngãi Hiên (xã Bình Phú) dẫn ra sông Hàm Luông đang thi công, nước có chuyển sang màu đen và bốc mùi. Con rạch này khi đóng lại chủ yếu trữ nước ngọt tưới tiêu cho hộ sản xuất nông nghiệp nhưng lại là đường thoát nước sinh hoạt và nước thải sản xuất của nhiều phường, xã trong nội ô TP. Bến Tre. Do đó, đóng lại thì sẽ ô nhiễm.

Thực tế ghi nhận, tình trạng người dân xả rác, nhất là rác thải nhựa trên sông, kênh, rạch vẫn còn là vấn đề nhức nhối, làm xấu mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Các loại xả xuống sông như: thùng xốp, hộp xốp, bóng đèn, mảnh kính, thậm chí là... ruột tủ lạnh. Khu vực bờ sông Bến Tre dọc theo tuyến đường Hùng Vương thời gian qua vẫn tồn tại những điểm đọng rác thải như khu vực ven chợ trái cây, khu vực công viên Hoàng Lam, cầu tàu du lịch Hàm Luông... Nhiều ý kiến cho rằng, không phải chỉ do người dân tại khu vực này xả rác xuống sông mà còn do rác từ các kênh rạch theo con nước chảy ra rồi tấp vào và đọng lại, vướng vào các hàng cây bần khi triều thấp.

Là một trong các đơn vị thường xuyên có các hoạt động dọn rác trên sông, Đoàn Phường 5, TP. Bến Tre có những ghi nhận và phản ánh với cấp chính quyền địa phương. Anh Nguyễn Trung Hiếu - Bí thư Đoàn Phường 5, TP. Bến Tre chia sẻ: Lực lượng thường xuyên triển khai các hoạt động về dọn dẹp vệ sinh tại khu vực tượng đài Chiến thắng trên sông, công viên Hoàng Lam, chủ yếu là vớt rác trên sông. Cán bộ đoàn cũng đã có trường hợp phát hiện người dân xả rác, vứt kiếng bể xuống sông, kênh, phản ánh về chính quyền địa phương. Cá nhân anh Hiếu đã có lần phát hiện một người dân đổ rác xuống sông Bến Tre, anh cũng đã đến chụp hình, nhắc nhở, người dân đem rác về.

Ngoài ra, ở khu vực nông thôn, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước còn do việc người dân xả thải nước chuồng nuôi trực tiếp xuống kênh rạch, thậm chí là xác gia súc, gia cầm chết. Do đó, không chỉ ngành chức năng, mà cần sự góp sức của cả cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay giữ sạch nguồn nước trữ không bị ô nhiễm.

Hệ lụy sức khỏe

Tình trạng trên đã gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và là nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh. Ở góc độ ngành y tế, Trưởng khoa Sức khỏe, môi trường y tế trường học thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lê Hồng Vũ cho biết, khi nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn. Tác hại của ô nhiễm nguồn nước mặt đối với sức khỏe con người chủ yếu do vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các hóa chất độc hại và các kim loại nặng. Thông qua hai con đường: do ăn, uống phải nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm trong quá trình sinh hoạt, lao động sẽ tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Thống kê thực tế của ngành y tế, gần 1/2 trong tổng số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Điển hình là bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, đau mắt đỏ, các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm não, ung thư… Các trường hợp ung thư, viêm nhiễm phụ khoa cho thấy 40 - 50% là do từ sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Thông tin từ bộ tài liệu hướng dẫn quy trình xử lý nước hợp vệ sinh của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Hàng năm, có khoảng 200 ngàn trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Hiện nay, ngành y tế tỉnh chưa có thống kê chính thức về các trường hợp bệnh ghi nhận từ nguồn nước ô nhiễm. Nhưng thực tế, không ít người dân phản ánh tình trạng sức khỏe khi thường xuyên tiếp xúc nguồn nước chưa vệ sinh. Điển hình, gia đình bà Trương Thị Khởi ở Ấp 2, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, nằm sát sông Hàm Luông, thường xuyên tiếp xúc với nước nên bàn chân của bà bị nước ăn gây phồng rộp và trầy lở. Theo bà Trương Thị Khởi, người dân trong khu vực chăn nuôi heo, gà là chủ yếu, chất thải trong chăn nuôi chưa xử lý triệt để, khi triều cường lên tràn ra mương vườn. Từ đó, nguồn nước kênh, rạch cũng bị quẩn đục, đen ngòm. “Trước đó, bàn tay và chân thường ngứa, nổi mận đỏ đi khám bác sĩ nói bị nấm móng. Bác sĩ có giải thích bệnh có thể do tiếp xúc môi trường ẩm ướt, nguồn nước không hợp vệ sinh”, bà Khởi cho hay.

Trao đổi về vấn đề người dân xã Tân Hội phản ánh nước kênh Sa Kê có dấu hiệu ô nhiễm, Trưởng phòng TN&MT huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Minh Chánh thông tin, phòng có phối hợp với Công ty TNHH Cấp thoát nước Mỏ Cày (trụ sở đặt tại xã Tân Hội) lấy mẫu nước kênh đem đi xét nghiệm vào ngày 26-2-2021, đến nay chưa có kết quả.

T. Thảo - P. Hân - C. Trúc - Th. Đồng - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN