“Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hậu quả của chiến tranh mà quân đội Mỹ để lại trên chiến trường Việt Nam vẫn còn rất nặng nề. Trong đó, di chứng từ chất độc da cam là một thảm họa tàn độc nhất”. Đó là những lời chia sẻ và lên án của bà Lê Thị Thanh Vân - Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Bến Tre.
Bà Lê Thị Thanh Vân - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin
trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: T.L
* Xin bà cho biết về công tác điều tra nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Bến Tre?
- Bà Lê Thị Thanh Vân: Chủ trương chung của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là các tỉnh, thành trong cả nước tiến hành điều tra lập danh sách nạn nhân chất độc da cam để làm chứng cứ phục vụ cho cuộc đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ, các công ty hóa chất đền bù tổn hại môi trường sinh thái, đền bù cho người nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời xác định địa chỉ, đối tượng, hình ảnh nhằm vận động cho công tác giúp đỡ. Qua chủ trương đó, từ năm 1999, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế Bến Tre đã tổ chức nhiều đợt tiến hành điều tra nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh có 4.744 hộ trực tiếp nhiễm chất độc da cam với số người bị nhiễm là 14.448 người (đã chết 1.206 người, còn sống 13.242). Trong đó có gần 2.000 trẻ em.
* Làm thế nào để giảm bớt khó khăn cho những nạn nhân da cam, thưa bà?
- Phải khẳng định rằng việc chăm lo đời sống, sức khỏe cho nạn nhân da cam luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Số nạn nhân được hưởng chính sách là 9.910 người, trong đó người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ là 1.571 người. Trên 50% số gia đình có người tàn tật, trong đó có gia đình nạn nhân da cam được hưởng bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn hàng ngàn lượt trẻ em tàn tật bị ảnh hưởng gián tiếp của chất độc da cam cũng được chăm sóc sức khỏe, đi học tại các trường phổ thông và trường dành cho người khuyết tật.
Tuy nhiên, số nạn nhân, gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam được hưởng các chế độ chính sách, trợ giúp kinh tế vẫn còn quá ít. Hơn nữa, tại những vùng bị phơi nhiễm, bị rải chất độc da cam, họ cũng chỉ mới được hưởng chính sách như hộ nghèo. Theo tôi, Nhà nước cần sớm có những cơ chế chính sách để chăm lo đời sống, sức khỏe các gia đình nạn nhân da cam nhiều hơn nữa.
* Đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, trong thời gian qua, Hội đã có những hoạt động như thế nào?
- Hội thường xuyên phối hợp với lực lượng tình nguyện viên, hội viên danh dự của Hội, các chức sắc tôn giáo, tín đồ, phật tử, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kiều bào sinh sống ở nước ngoài ủng hộ tiền, hàng để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam qua các hoạt động như: Tết vì người nghèo, Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ người nghèo bị thiên tai, bão lũ, xây nhà tình thương, trao học bổng, cho vay tín dụng ưu đãi, dạy nghề và tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho nạn nhân da cam. Chỉ tính trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động tiền, hàng hóa trên 24,5 tỷ đồng giúp cho 98.124 lượt người nghèo và nạn nhân chất độc da cam.
* Nhân kỷ niệm “50 năm thảm họa da cam/dioxin Việt Nam”, Hội đang có những hoạt động gì đặc biệt, thưa bà?
- Hội phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền thảm họa da cam ở Việt Nam, tuyên truyền các hoạt động 10-8 - Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam và tổ chức truyền hình trực tiếp chương trình biểu diễn nghệ thuật gây quỹ nạn nhân chất độc da cam vào trung tuần tháng 8-2011. Tại mỗi huyện sẽ tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày thảm họa da cam, sau đó sẽ lấy chữ ký của nạn nhân phản đối chiến tranh hóa học của Mỹ tại Việt Nam. Đồng thời, Hội sẽ tổ chức thăm, tặng quà và vận động nhiều đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam.