Giải do Sở VH, TT và DL tỉnh Bến Tre phối hợp với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (BCVN) tổ chức từ ngày 31-10 và chính thức khép lại vào tối 7-11-2010, tại Nhà thi đấu TDTT Bến Tre bằng trận chung kết giải nam giữa đội chủ nhà và đội Công an Phú Thọ.
Khác những diễn biến bình thường ở giải nữ, khi với lực lượng đồng đều và mạnh hơn hẳn (Quảng Ninh có tuyển thủ QG Bùi Thị Huệ của PV Oil Thái Bình và cầu thủ người Thái Lan Boulee; Hải Nhân Thanh Hóa thuê được tay đập xuất sắc Jutarat đến từ Thái Lan), nên hai cựu đội mạnh QG này đã lần lượt vượt qua Hưng Yên, Đakruco ĐakLak (thực chất là Trẻ Bộ Tư lệnh Thông tin), Vĩnh Phúc ở vòng bảng và hai trận bán kết, để cuối cùng họ gặp lại nhau trong trận chung kết nữ, tối 6-11. Và ở lần tái đấu sau khi đã chính thức giành quyền thăng hạng đội mạnh QG năm 2011, hai đội đã chơi thật sự sòng phẳng, cống hiến cho khán giả Bến Tre một trong những trận đấu hay nhất kể từ đầu giải. Qua đó, Hải Nhân Thanh Hóa đã đòi lại “món nợ” thua 1- 3 ở vòng bảng ít hôm trước, bằng chiến thắng với tỉ số 3 – 0, xứng đáng đoạt chức vô địch.
Trái ngược lại những gì đã thể hiện ở giải nữ, “đoạn cuối” của giải nam tưởng chừng như yên ả khi đội chủ nhà Bến Tre gặp lại Công an Phú Thọ trong trận chung kết tối 7-11, sau khi cả hai cùng giành vé thăng hạng do vượt qua được Quân khu 4 và Đông Trường Sơn - Quảng Trị trong hai cặp bán kết ở ngày trước đó.
Tuy nhiên, chẳng phải chờ đến giờ “bóng bay”, ngay sáng 7-11, không ít người đã biết chuyện hai đội nam mạnh nhất giải chẳng ai muốn được trao cúp sau trận chung kết sẽ diễn ra vào buổi tối. Bên này đánh tiếng sang bên kia về “thiện ý” nhường… ngôi vô địch cho đội bạn (!?). Được biết, ở vòng bảng, sau khi CA Phú Thọ, do sở hữu lực lượng khá mạnh đã thắng liên tiếp 3 trận trước QK3, QK4, ĐTS Quảng Trị, nên ở trận cuối của mình, họ đã chủ động thua Bến Tre 0 – 3 để kéo đội chủ nhà lên vị trí thứ nhất hầu tránh phải gặp nhau ở bán kết. Trước lần tái đấu này, phía đội chủ nhà Bến Tre ngỏ ý sẽ “trả” lại cho đối phương khoản “tạm ứng” cho “phải đạo”. Ngược lại, CA Phú Phọ thông báo với đối phương, rằng họ sẵn sàng “nằm” tiếp trong trận chung kết nhằm giúp Bến Tre đăng quang ngay trên sân nhà, lập thành tích “báo cáo” lãnh đạo và người hâm mộ trong tỉnh. Cả hai cứ mãi nhùng nhằng trong tinh thần “fair - play” đến mức… tội nghiệp (!?).
Hỏi ra mới biết, không phải xuất phát từ sự chênh lệch về mức tiền thưởng giữa hai giải chẳng đáng kể (nhất: 15 triệu, nhì: 10 triệu đồng), mà người ta chợt nhớ lại một chuyện: Kể từ mùa giải VĐQG PV Oil 2010, LĐBCVN đã quy định thống nhất “Căn cứ vào kết quả mùa trước, BTC sẽ chia 12 đội nam và 12 đội nữ vào 2 bảng cho mùa sau theo thứ tự số chẵn (2, 4, 6, 8, 10, 12) và số lẻ (1, 3 , 5, 7, 9, 11). Như vậy, điều đã được mặc định là chắc chắn ở giải nam năm 2011, bảng A sẽ gồm nhiều đội mạnh như Tràng An Ninh Bình, Sacombank Biên phòng, Sanest Khánh Hòa, Tập đoàn Dầu khí QGVN, Đức Long QK5 và đội…VĐ giải hạng A 2010, còn danh sách bảng B dù sao cũng “dễ thở” hơn cho đội xếp thứ nhì giải hạng A 2010, bởi ở đây chỉ có những cái tên thuộc loạt tầm tầm như QK9, QĐ4, QK7 bên cạnh hai thương hiệu lớn của BCVN là Hoàng Long Long An và Thể Công.
Từ những ngọn ngành như thế, người ta mới nghiệm ra vì sao tính cao thượng trong thể thao vốn dĩ hay bị mai một lúc này, lúc khác, nay lại được hai đội thể hiện “tuyệt vời” đến như vậy.