Chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp

04/09/2009 - 08:46
Thu hoạch tôm chân trắng ở xã Bình Thắng (Bình Đại). Ảnh: H.H

Bến Tre có điều kiện đất đai với 3 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt rất thuận lợi trong  việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Trong đó, kinh tế vườn và nuôi trồng thủy sản là hai mũi nhọn phát triển rất mạnh. Một số nông sản thế mạnh của tỉnh đã bước đầu tiếp cận được với thị trường trong nước và xuất khẩu như cá tra, tôm sú, dừa, chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng hạt lép…Ngoài ra, tỉnh còn là nơi sản xuất cây giống, hoa kiểng lớn trong khu vực và cả nước. Công nghiệp chế biến một số sản phẩm như dừa, mía, thủy sản cũng đã hình thành, tạo điều kiện gắn kết sản xuất với chế biến.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, nước mặn ngày càng xâm nhập sâu gây nhiều bất lợi cho sản xuất. Dịch bệnh diễn biến còn nhiều  phức tạp, nhất là trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Nuôi thủy sản phát triển còn tự phát khá phổ biến, chưa mang tính bền vững, môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi nội đồng một số nơi chưa đồng bộ, hệ thống cung cấp điện cho sản xuất chưa ổn định. Lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm trong khi việc áp dụng cơ giới hóa chiếm tỷ lệ rất thấp. Mô hình trang trại và hợp tác xã tuy có phát triển nhưng chiếm tỷ lệ không cao. Phần nhiều còn sản xuất cá thể, nhỏ lẻ là phổ biến. Mô hình liên kết sản xuất chậm phát triển dẫn đến đầu ra của sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Giá hàng nông sản không ổn định, giá đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập cho nhà nông. Xuất khẩu thủy sản, trái cây thế mạnh của tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn, chất lượng.

Để giải quyết khó khăn trên,  trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đa dạng theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; tăng cường khả năng cạnh tranh trên cơ sở tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả đất đai; đảm bảo hài hòa giữa các ngành; đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về giống, kỹ thuật canh tác; phấn đấu nâng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng bình quân 6-6,5%/năm; giải quyết cơ bản việc làm, giảm lao động nông nghiệp còn 52% so với lao động xã hội; nâng thu nhập dân cư nông thôn tăng 3 lần so hiện nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Để đảm bảo các mục tiêu trên, ngành đề ra các giải pháp cơ bản như sau: Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật cao, hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn; đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái đặc sản vùng ngọt; thâm canh, xen canh hợp lý vườn dừa thông qua các dự án như dự án trồng mới 4.000 ha bưởi da xanh, dự án 5.000 ha dừa, 10.000 ha ca cao phục vụ cho xuất khẩu; ổn định và nâng cao chất lượng vùng lúa xuất khẩu tập trung từ 25.000-30.000 ha tại Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú; xây dựng vùng sản xuất mía nguyên liệu khoảng 4.000-5.000 ha đủ sức cung cấp cho nhà máy và bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân; tiếp tục duy trì chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích phát triển theo hướng trang trại, gắn với bảo vệ môi trường; quản lý và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh; cải tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi, nâng dần tỷ trọng giá trị chăn nuôi đạt khoảng 35% trong sản xuất nông nghiệp đến 2020; đẩy mạnh nuôi thủy sản theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm; ổn định diện tích nuôi thâm canh, phát triển diện tích cá tra theo qui hoạch và chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp; phấn đấu đến năm 2020, nâng tổng diện tích nuôi toàn tỉnh đạt 53.500 ha, sản lượng nuôi 215.000 tấn; duy trì sản lượng đánh bắt 75.000 tấn/năm; tiếp tục nâng cao chất lượng cây, con giống phục vụ sản xuất, đầu tư hoàn chỉnh các cơ sở sản xuất giống của Nhà nước, xã hội hóa việc cung ứng giống; đưa Chợ Lách trở thành trung tâm sản xuất giống của tỉnh; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với  phát triển đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn; đổi mới xây dựng các hình thức tổ chức, sản xuất, dịch vụ có hiệu quả; nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo bước đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp-công nghiệp hóa nông thôn.

Hữu Hiệp (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN