Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên vùng đất kém hiệu quả do hạn, mặn

12/11/2015 - 17:25

Mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường không còn trên kịch bản mà mỗi giờ, mỗi ngày hiện diện và tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc nông dân thực hiện nhiều giải pháp để thay đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn là vô cùng cần thiết.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phòng, chống hạn mặn

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả là một trong những giải pháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, những vùng trồng lúa bấp bênh thường bị ảnh hưởng do hạn mặn xâm nhập hàng năm được chuyển đổi sang trồng cây khác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo ước tính của ngành Nông nghiệp, đến cuối năm 2015, diện tích trồng lúa của tỉnh còn khoảng 29.423ha. Trong đó, đất trồng lúa 2 - 3 vụ là 22.621ha (Thạnh Phú 4.706ha; Ba Tri 12.000ha; Bình Đại 2.500ha; Giồng Trôm 2.800ha; Mỏ Cày Bắc 150ha; Mỏ Cày Nam 50ha; Chợ Lách 15ha; Châu Thành 300ha; TP. Bến Tre 100ha). Dự kiến đến năm 2020, tỉnh tiếp tục chuyển đổi 6.000ha đất trồng lúa 2 vụ hiệu quả thấp (do manh mún, đất gò cao, đất thường xuyên bị ảnh hưởng mặn vào mùa khô) sang những loại cây trồng, vật nuôi khác.

Do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên một số khu vực trong tỉnh thường bị thiệt hại do nước mặn xâm nhập. Cụ thể, trong vụ Đông Xuân năm 2014-2015, Thạnh Phú và Ba Tri có diện tích bị thiệt hại lên đến 690ha. Vụ Hè Thu ở Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri, diện tích thiệt hại 1.184ha, tập trung ở những vùng có hệ thống thủy lợi chưa khép kín hoặc nằm ở ví trí cuối nguồn nên thường bị thiếu nước ngọt trầm trọng, nhất là vào những tháng mùa khô.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong tương lai gần, thảm họa nước biển xâm nhập sẽ gia tăng bởi tác động kép của biến đổi khí hậu do nước biển ngày càng dâng cao. Mặt khác, việc tích nước hàng loạt tại các đập thủy lợi, thủy điện của các nước đầu thượng nguồn làm giảm cao độ mực nước trong hệ thống sông Cửu Long vào mùa khô. Xâm nhập mặn sâu vào nội địa tỉnh ngày càng gia tăng, nhanh và kéo dài. Do vậy, việc trồng lúa 2 - 3 vụ trong năm là cực kỳ khó khăn, nhất là các vùng đất gò cao, không giữ nước, một số diện tích manh mún ở các xã ven biển. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên các vùng đất kém hiệu quả chuyển sang trồng rau màu, trồng cỏ nuôi bò, nuôi trồng thủy sản nước ngọt là nhu cầu bức thiết nhằm nâng thu nhập, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Tăng thu nhập cho nông dân từ 20 - 30%      

Mục tiêu của việc chuyển đổi là nhằm tăng thu nhập cho nông dân vùng đất lúa kém hiệu quả từ 20 - 30%. Trong đó, chuyển đổi 54ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, 100ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, 50ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, 180ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Theo kế hoạch, tại xã An Đức (Ba Tri), diện tích đất sản xuất lúa hiện nay là 489ha, trong đó có 44ha kém hiệu quả với năng suất hàng năm từ 2,5 - 3 tấn/ha, do điều kiện nước mặn, xâm nhập sâu cần phải chuyển đổi, tập trung ở các ấp 3, 6, 7, 9. Tại xã An Hiệp (Ba Tri) có khoảng 780ha đất lúa, trong đó có 90ha trồng lúa kém hiệu quả với năng suất hàng năm khoảng 3 tấn/ha, do điều kiện thiếu nước, mặn xâm nhập sâu cần được chuyển đổi tập trung ở các ấp 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9. Xã Đại Điền (Thạnh Phú) có diện tích đất trồng lúa 132ha, trong đó có 70ha lúa kém hiệu quả do ảnh hưởng mặn nên sẽ chuyển đổi diện tích tập trung tại các ấp Vĩnh Bắc, Vĩnh Nam, Quý Mỹ.

Theo ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, để việc chuyển đổi thành công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương khảo sát và chọn mô hình cụ thể. Khảo sát 204ha, trong đó có 39ha rau màu, 110ha dừa, 55ha cỏ, tại xã An Hiệp, An Đức (Ba Tri), Đại Điền (Thạnh Phú). Đối tượng tham gia là các hộ nông dân thật sự muốn tham gia chuyển đổi mô hình, được họp xét bầu chọn tại địa phương. Hộ có khả năng lao động, chí thú làm ăn, tự nguyện tham gia tổ hợp tác. Dự kiến năm 2016-2017 sẽ xây dựng mô hình được sự hỗ trợ của Nhà nước theo định mức khuyến nông. Năm 2018 sẽ nhân rộng kết quả mô hình để chuyển đổi hết diện tích theo kế hoạch.

- Mô hình trồng rau màu, dự kiến xây dựng 25 điểm trình diễn: hỗ trợ 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vụ đầu tiên.

- Mô hình trồng dừa, dự kiến 75ha: hỗ trợ 30% lượng phân bón trong năm đầu tiên.

- Mô hình trồng cỏ nuôi bò với 35ha: hỗ trợ 50% giống, 30% phân bón trong năm đầu tiên

- Tổng kinh phí dự kiến khoảng 1,895 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 304 triệu đồng, còn lại là vốn dân.

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN