 |
Mía được chuyển về nhà máy đường Bến Tre. |
Theo khảo sát của Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre, trong 5 năm trở lại đây diện tích mía trong tỉnh đã giảm dần theo từng năm. Từ 11.125ha (năm 2004) giảm còn 7.000ha (năm 2008) và hiện nay chỉ còn khoảng 4.000ha.
Nguyên nhân diện tích mía giảm chủ yếu do người dân chuyển dần sang trồng các loại cây trồng khác. Trong khi đó, toàn tỉnh cần duy trì vùng chuyên canh mía với diện tích 4.300ha đến năm 2020. Niên vụ mía 2010, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 4.200ha, năng suất bình quân đạt 72 tấn/ha, sản lượng khoảng 324.000 tấn (chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 90 tấn/ha). Mặc dù các giống mía mới chiếm tỷ trọng cao (75%), vượt năng suất bình quân của cả nước (51,7 tấn/ha), nhưng chưa cho năng suất và chữ đường cao. Các giống mía mới có những biểu hiện thoái hóa, như: thối đỏ, rệp sáp, sâu đục thân, bệnh than. Kỹ thuật canh tác còn theo kiểu truyền thống…
Do đó, để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả của cây mía, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp thực hiện Dự án chuyển giao qui trình công nghệ sản xuất mía có năng suất, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Dự án được triển khai từ tháng 10-2010, do kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre làm chủ nhiệm, với tổng kinh phí thực hiện là 1,8 tỷ đồng. Sau hơn 20 tháng triển khai thực hiện, Dự án đã thu được một số kết quả nhất định. Dự án đã chọn 39 hộ, với diện tích 30ha, trong đó có 2 hộ có diện tích từ 2ha trở lên, 14 hộ có diện tích 1ha, 23 hộ có diện tích 0,5ha. Đây là các hộ có kinh nghiệm trồng mía, đủ năng lực tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động nguồn lao động, có điều kiện kinh tế và khả năng tham gia liên kết thực hiện Dự án. Dự án bố trí tổng cộng 48 điểm thực nghiệm, thuộc các huyện: Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri. Các giống mới được bố trí thí điểm là K88-200, Suphanburi, K93-219, K95-84, KU00-1-58… Kết quả, năng suất đạt 117 tấn/ha, chữ đường 10,30 CCS và năng suất qui 10 CCS đạt 120 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế - xã hội, Dự án đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và ổn định lượng mía nguyên liệu, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao hiệu suất thu hồi đường và kéo dài thời gian chế biến cho nhà máy. Dự án còn gắn kết giữa nông dân với nhà máy, nông dân tin tưởng hơn và đồng tình thực hiện thay đổi giống mới, qui trình kỹ thuật. Dự án góp phần gia tăng năng suất và chất lượng mía tối thiểu 45,3 tấn 10 CCS/ha, đem lại lợi nhuận cho người trồng mía khoảng 43,3 triệu đồng/ha. Khi diện tích các giống mía mới được mở rộng khoảng 70% trong tổng số 4.300ha theo qui hoạch chung của tỉnh, thì sản lượng dự kiến sẽ tăng thêm 136 ngàn tấn 10 CCS so với sản lượng mía đạt được hiện nay. Qua đó, qui trình kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao rộng rãi, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng mía.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, hiện tổng chi phí sản xuất trực tiếp cho 1 héc-ta mía là 53 triệu đồng, trong đó Công ty Cổ phần Mía đường Bến Tre đầu tư cho các hộ tham gia Dự án là 20 triệu đồng/ha, không tính lãi suất, số tiền còn lại người trồng tự đầu tư. Giống mía do Công ty cung cấp. Việc thu hồi vốn thuận lợi bởi do chính sách đầu tư, phía thu mua và quản lý được giám sát rất chặt chẽ như mua theo chữ đường, giá cao hơn thị trường khoảng 10.000 đồng/tấn, thưởng hoàn thành hợp đồng 5.000 đồng/tấn, hỗ trợ 100% lãi vay. Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với các xã giám sát từ khi trồng đến khi thu hoạch bán cho nhà máy đúng theo hợp đồng đã ký. Sau khi ép mía xong, Công ty thu hồi vốn đã đầu tư, số còn lại thanh toán cho hộ trồng mía. Năm thứ nhất, Công ty thu hồi đạt 100%, năm thứ hai đảm bảo thu hồi đúng thời gian đạt 100%. Sau đó Công ty thu hồi và hoàn trả lại kinh phí cho Sở Khoa học và Công nghệ đúng theo qui định. Để nhân rộng và duy trì khi Dự án kết thúc, Công ty đang xây dựng bộ giống trên cơ sở các giống mía tốt hiện có trong vùng và bổ sung giống mới được tuyển chọn. Nhân nhanh các giống mới vừa mới tuyển chọn để cung cấp rộng rãi cho nông dân. Chuyển giao qui trình công nghệ sản xuất mía có năng suất, chất lượng cao trong toàn tỉnh.