Châu Hòa xưa có chợ Ba Châu (chỗ chợ Châu Hòa cũ bên này cầu). Có lẽ chữ Ba Châu này hồi trước gồm Châu Phú, Châu Thới, Châu Bình. Sau làng Châu Bình tách ra thì còn Châu Phú, Châu Thới gọi là làng Châu Hòa. Làng Châu Bình có sự kiện ngày 16 tháng giêng năm 1946 (âm lịch) trận đánh Pháp đầu tiên ở bộ đội, anh Ba Dương (Dương Văn Dương), thuộc bộ đội Bình Xuyên, là người của ta. Anh tham gia đánh Pháp chiếm lại Bến Tre vào mùng 7 tháng giêng năm 1946 (âl), anh rút dần bộ đội về Châu Bình và trận đó anh hy sinh. Sau này, anh được Bác Hồ phong Thiếu tướng (có lẽ là vị tướng sớm nhất ở Bến Tre). Chợ Châu Phú (nay là Châu Hòa) trước 1945 còn nghèo lắm. Nếu lấy hướng từ Lương Quới vào qua cua quẹo nhỏ, có cây cầu, nhà lồng chợ Châu Phú thời ấy nằm phía tay phải. Sau nhà lồng là nhà việc - nơi ban hội tề xã làm việc. Từ nhà việc nhìn ra rạch Châu Phú, phía phải có mấy cái tiệm là của thầy Năm (cha anh Thống), tiệm chú Tỵ, rồi dựng lộ, cạnh lộ là tiệm hủ tiếu chú Đầy (cha của anh Sáu Phú tên thật là Nhiên, trong kháng chiến chống Pháp, anh theo bộ đội). Kế tiệm hủ tiếu chú Đầy là tiệm hớt tóc nhỏ của chú thợ Tư, Ba Biện, chú Ba Thuận. Đối diện tiệm chú Tỵ là tiệm thuốc Bắc ông Năm Phú, tiệm tạp hóa Kim Cẩm, tiệm ông Thầy Mới... Ngoài ra, còn tiệm chú Một, chú Bảy Thơm, có tiệm á phiện R.O (kháng chiến ta dẹp)... Đại để chợ lúc ấy cỡ vậy cùng một số bà con mua bán nhỏ, có người có tiệm, sạp nhỏ, còn lại thì sáng bán đến tan chợ thì ai về nhà nấy. Cái quý của chợ này là các chủ tiệm khá khá một chút như anh Thống, chú Tỵ, ông Năm Phú (thuốc Bắc) có con cái sau này đều theo kháng chiến.
Tôi nhắc qua chợ Châu Phú thời 80 năm về trước đại để là vậy để từ từ tôi kể thêm điều tôi còn nhớ:
Trận đánh Tây của bộ đội Ông Cống ở Vàm Châu Phú. Bộ đội Ông Cống lúc đó gọi là bộ đội Tân Hào (sau đó là Trung đội 3, rồi Đại đội 885... phát triển thành 2 tiểu đoàn 295, 297 Trung đoàn 99), về Châu Phú ở nhà ông Hai Từ Dũ, thầy giáo Ba Vi và Hương Văn Tịnh. Ông Hai Từ Dũ có con là Hai Đô, Ba Thức, Tư Vấn đều theo kháng chiến rất sớm. Tôi nhớ lúc đó anh Xương cũng ở đây (sau trận Châu Phú, anh Xương theo bộ đội Ông Cống, bắn cây súng F.M đầu bạc (F.M Breen của Anh lần đầu tiên Bến Tre lấy được ở Vàm Châu Phú 16-4-1946), sau này anh Xương là Trung đội trưởng Trung đội 2 (bằng Đại đội ngày nay), sang chiến đấu và hy sinh ở Gò Công. Ngoài anh Xương, ở nhà bác Hai Từ Dũ còn có anh Năm Đờn cùng ở đây đều theo kháng chiến. Ở nhà bác Ba Vi và Hương Văn Tịnh, con bác là anh Hài cũng là thanh niên tiền phong lúc đó. Các anh: Hai Hài, Ba Cầm, Mười Vệ, chị Thu Ba (vợ anh Cầm, sau là Thứ trưởng Bộ Y tế)... đều là cán bộ thời đó mà bác Năm Thôi là lãnh đạo ở đây. Nhà Bác Năm Thôi gần chợ có bảng “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các-Mác Châu Hòa” lúc Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào bí mật.
Ngày 16-4-1946, nhằm ngày rằm tháng 3 âm lịch. Tây ở Giồng Trôm đi ra chợ Châu Hòa (chợ Châu Phú) rồi đi hành quân ngoài vàm Châu Phú, bắt hội tề lo cơm nước để chúng về ăn. Bộ đội Ông Cống phục kích cách vàm Châu Phú vài trăm thước chờ ghe Tây chở về. Bộ đội lúc ấy cỡ một trung đội, tôi còn nhớ mấy anh, chú: chú Bảy Cống, ông Hồ Chấn, anh Hiện, anh Bơi, anh Cảnh, anh Hoài, anh Trương, anh Cẩn (Sương)... Súng lúc ấy chỉ có súng mút, lựu đạn có đuôi, chưa có cây tiểu liên, trung liên nào.
Ghe của Tây lọt vào ổ phục kích, ta nổ súng... giặc chết, chỉ có 5 thằng Tây chạy thoát. Còn bộ đội ta sau khi thắng trận, mò súng thu được cây F.M Breen và cây Misten đầu tiên ở Bến Tre, 2 khẩu mút Anh, nhiều lựu đạn, đạn dược, có chuyện ngộ là cây tiểu liên Misten bá sắt, ta mò mãi tìm cái bá cây mà không thấy. Khi về gặp anh Xương, anh cho biết, cây tiểu liên Misten bá sắt không có bá cây. Trận này coi như thắng lợi lớn, hồ hởi. Tây chết tới sình nổi lên nước ròng đẩy ra sông Ba Lai.
Sau trận đó, khí thế kháng chiến ở Châu Hòa lên cao. Nhiều người tham gia bộ đội Ông Cống mà sau này ông Chín Tá, anh Cầm, anh Mạnh, anh Ca, anh Bì, anh Nhiên, anh Thống... trở thành cán bộ quân sự giỏi và hy sinh trong kháng chiến. Từ năm 1947, tôi đi khỏi Bến Tre nên không biết nữa.
Trận đánh Tây, lính lê dương đội mũ ca-lô đỏ tại Châu Thới, nơi lộ làng Châu Thới ra sông Ba Lai, ngày tháng tôi không nhớ nhưng dạo ấy mưa dầm năm 1947. Bộ đội lúc ấy đã phiên hiệu thành đại đội, Đại đội 888 của Chi đội 19 sau là Trung đoàn 99 kết hợp với quân dân huyện An Hóa lập ra Tiểu đoàn dân quân An Hóa do anh Chín Tá chỉ huy. Hôm ấy, địch càn quét rất đông, có quân của Léon Leroy hàng tiểu đoàn đổ quân ngoài cù lao Vung theo lộ qua Châu Thới mà chúng càn tới, phi cơ săn giặc dội nhiều loạt bom, pháo trên tàu ở sông Ba Lai bắn vào cho quân chúng tràn tới (lúc ấy địch chưa có trực thăng). Bộ đôi ta phục kích từ đầu lộ làng ra ngoài cù lao Vung, anh Thạch Uốt (người Khơme) ở tại tâm điểm phục kích thủ cây liên thanh (luộc MAC) còn các đơn vị thì dàn quân đón địch tới. Cỡ 10 giờ, mưa to, hàng lớp lính tràn lên, cây liên thanh ta nổ giòn, bộ đội bắn địch dữ dội, đôi bên xung trận. Rủi ro là cây liên thanh kẹt đạn, anh Thạch Uốt lui cui sửa thì bị trúng đạn, hy sinh. Lê dương rất đông, quần với ta tới chiều, ta đẩy lùi địch không được mặc dù chúng chết rất nhiều, đạn dược ta kém dần và mưa gió lớn, tiểu đoàn ta lùi dần và vượt qua lộ Bình Chánh về Bình Hòa, Tân Hào. Trận này địch chết cả trăm tên, mà thiệt hại nặng là tiểu đoàn UMDC (bảo vệ đạo Thiên Chúa của Léon Leroy) - bọn này gây rất nhiều tội ác với bà con ở Mỹ Tho, Bến Tre.
Châu Thới nay không phải là tâm điểm của xã Châu Hòa nhưng chợ Châu Thới so chợ Châu Phú (Châu Hòa) thì cỡ như nhau. Hồi đó, ở đây có nhà việc, có đình thần lớn ở Châu Thới, có trường tiểu học...Kinh tế ở đây không thua gì Châu Phú.
Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở xã Châu Hòa rất oanh liệt, vẻ vang và cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ suốt 21 năm từ đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang, Châu Hòa lập thành tích xuất sắc đóng góp nuôi quân, đưa con em đi bộ đội, đấu tranh chống địch khủng bố, vận động binh sĩ lấy đồn địch... Xã Châu Hòa đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng mùa xuân 1975, rồi tiếp tục đi lên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.