Người ta có thể ước lượng thời gian chỉ bằng một cái chớp mắt là thủy thần sẽ cuốn phăng nó cùng tám con người trong ấy vào lòng biển. Dù đã được tuyển chọn kỹ càng nhưng trước cơn bão dữ dằn những ngư dân đi biển lành nghề cũng không chịu nổi. Họ say sóng nằm la liệt, chỉ còn lại bốn người: Hai Luông, Năm Công, Văn Công Cưỡng và Ba Lộc. Ba Lộc tỏ ra là người cầm lái vững chãi, có những đợt sóng tưởng như nuốt chửng con tàu nhưng rồi nó vẫn trồi lên băng về phía trước một cách gan lì. Hai Luông cầm sợi dây bò ra sau lái, nói với Ba Lộc:
- Vầy đi anh Ba. Anh để tôi cột dây vô chân, nếu sóng đánh anh rớt xuống biển thì tụi tôi kéo anh lên.
- Mấy anh còn khỏe không?
- Khỏe. Tụi này không sao đâu.
Trong ánh chiều chập choạng, Hai Luông thấy Ba Lộc gật đầu, mỉm cười khi sợi dây vòng vào cổ chân anh.
- Máy chạy tốt hả, chú Hai?
- Ngon lành.
Trả lời dứt khoát vậy để Ba Lộc yên tâm chứ lòng Hai Luông phấp phỏng. Nhiệm vụ chính của anh trên tàu là thợ máy nhưng khổ nỗi thời gian học nghề chỉ... một ngày. Số là sau Đồng Khởi, Hai Luông được ông Năm Chung - tức đồng chí Nguyễn Khước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - giao nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện những người đi biển thành thạo để thành lập Đoàn mở đường Hồ Chí Minh trên biển ra Bắc vận chuyển vũ khí về Nam phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Anh đã tổ chức được Năm Công, Năm Kiệm, Thế Hùng... ở Thạnh Phú; anh Hải, anh Mai ở Ba Tri; Ba Lập, Năm Hớn, Năm Thắng, Hai Bình, Tư Sơn ở Bình Đại. Có người rồi Hai Luông cùng vài anh em khác được cử ra Vũng Tàu mua hai chiếc tàu biển đóng theo kiểu “Bắc Kỳ”, hai máy Yanmar 16 mã lực, hai giàn lưới... Tàu của Hai Luông gồm 6 đảng viên và 2 đoàn viên do Năm Công làm Bí thư chi bộ, cũng là thuyền trưởng; Năm Hớn - Phó Bí thư, còn anh được phân công là thợ máy. Điều này thật ngỡ ngàng đối với Hai Luông. Là một ngư dân, đáy hàng khơi, lưới sĩ, cào chiếc, cào đôi anh rành rẽ nhưng máy móc thì anh chưa từng mó tay. Ông Năm Chung trấn an:
- Đừng lo, vài bữa nữa sẽ có thằng Lầu, thợ máy bên Bình Đại qua chỉ cho một ngày là chú rành chứ gì!
Vậy rồi trước hôm tàu được lệnh xuất phát anh được hướng dẫn về tính năng và thao tác máy. May mà máy mới chạy rất tốt chứ rủi trục trặc chắc anh phải đành chịu bó tay.
Điều lo sợ của Hai Luông cũng không tránh khỏi. Tàu chạy ra đến mũi Thùy Vân (Vũng Tàu) thì bị những con sóng to đánh bể bửng sau, nước tràn vào ngập khoang máy. Hì hục tát nước, sửa chữa gần một ngày máy mới nổ lại. Bão đã dần tan. Tàu vẫn băng băng giữa mênh mông trời nước nhưng không ai biết chính xác họ đã đến vùng biển thuộc tỉnh nào. Trên tàu không có hải đồ, may là họ có mang theo tấm bản đồ Việt Nam in trên bìa tập học sinh. Họ bẻ cọng nhang đo khoảng cách rồi kết hợp với vận tốc trung bình của máy tàu mà ước lượng quãng đường. Đến ngày thứ năm, máy tàu bị hư quay mãi vẫn không nổ. Hai Luông nhớ lại những chỉ dẫn của anh thợ máy Lầu, rà soát lại từng bộ phận. Anh phát hiện là trong bình nhớt có nước. Có lẽ lúc bửng bể, nước tràn ngập khoang nên lọt vào bình nhớt. Sở dĩ nó chạy được suốt mấy ngày nay vì nhớt trong bình còn đầy. Anh xả bỏ tất cả nhớt còn lại trong bình ra, thay nhớt mới. Quả nhiên máy tàu nổ lên giòn giã.
- Chú Hai nhìn mấy chiếc tàu phía trước coi có phải ghe lưới của dân không?
Năm Công chỉ tay về bốn chiếc ghe cách tàu khoảng hai trăm thước. Trên mỗi chiếc đều có một đống lưới to. Người trên ghe hầu hết mặc quần cụt, cởi trần. Cả bốn chiếc đều chếch mũi vô bờ. Không có vẻ khả nghi là tàu giặc.
- Theo tôi thì đó là ghe lưới của dân. Nhưng để chắc ăn mình cứ cho tàu mình đuổi kịp họ. Dù sao mình cũng cần biết chính xác đã tới tỉnh nào. Nếu là tàu địch thì cũng dễ đối phó hơn là để chúng nghi ngờ rồi rượt đuổi theo.
- Nếu họ hỏi mình nói sao?
- Nói mình là dân Gò Công mới đi biển lần đầu bị bão nên chạy lạc. Ghe mới, lưới mới mà!
Cuộc hội ý chớp nhoáng. Cả chi bộ thống nhất cho tàu tăng tốc. Gần hai giờ sau thì đuổi kịp tàu đánh cá. Đúng như nhận định của Hai Luông, đó là ghe của ngư dân. Họ ra khơi khi cơn bão vừa tan, đón được luồng cá nên trúng lớn, giờ đang quay về. Họ cho biết đây thuộc vùng biển Đà Nẵng. Để tránh sự nghi ngờ, nên khi thấy con cá nhám thật to nằm trên sàn tàu Năm Hớn liền hỏi mua “làm mồi nhậu giải khuây”, những ngư dân vui vẻ, cảm thông với “bạn đi biển” miền Nam gặp lúc không may nên “nửa bán nửa cho”.
Bữa cơm thịt cá nhám ngon và vui như bữa tiệc bởi ai cũng mừng khấp khởi khi biết tàu mình đã đến Đà Nẵng. Vậy là không còn bao lâu nữa tàu sẽ qua khỏi vĩ tuyến 17, vào vùng biển an toàn.
Lúc này sức khỏe các anh em bị say sóng trong cơn bão hôm trước đã dần bình phục. Dẫu sao họ đều là dân từng đi biển nên cũng dễ thích nghi.
Lại một sự cố nữa xảy ra. Tàu chết máy vì hết dầu. Hôm gặp bão, những phuy dầu va chạm vào nhau bể chảy hết một phuy, chỉ còn lại dầu lửa và nhớt. Tình hình trở nên nghiêm trọng vì tàu lênh đênh trong vùng địch kiểm soát nghiêm ngặt. Một cuộc họp chi bộ khẩn cấp để bàn giải pháp thoát hiểm. Ai cũng nhận thấy tàu đang ở trong những nguy cơ có thể xảy ra: Địch sẽ nhanh chóng phát hiện hoặc nếu bất thần có bão, tàu sẽ bị lật chìm. Hai Luông nêu ý kiến:
- Dầu máy hết nhưng còn dầu lửa và nhớt, ta có thể pha nhớt vô dầu lửa. Nếu máy nổ được thì bao nhiêu dầu ấy có thể sẽ vượt khỏi được vĩ tuyến 17. Chừng đó sẽ tính sau.
Tất cả đồng tình vì không còn giải pháp nào khác, sau khi có những ý kiến băn khoăn liệu cái hỗn hợp ấy máy có chạy được hay là nó sẽ làm cháy rồi hư luôn. Nếu may mắn gặp được ghe ngư dân chia được dầu thì cũng đành chịu bó tay. Sau, họ mới biết dầu lửa cũng làm máy nổ được nhưng lúc ấy ai cũng nghĩ mình vừa quyết định một việc “năm ăn, năm thua”. Bởi, cả tám người trên tàu đâu ai rành về máy móc và họ cũng chưa lường được tình huống này. Rồi tiếng máy đã nổ giòn tan. Tưởng trong giây phút ấy họ sẽ reo hò nhưng không, họ im lặng nhìn nhau, miệng thì mỉm cười mà nước mắt ứa ra. Phải một lúc sau Năm Công mới thốt được câu: “Mình sống rồi, anh em ơi!”.
Khoảng 3 giờ chiều ngày 26-8-1960, tức ngày thứ 8 của cuộc hải trình, tàu buộc phải ghé vào bờ vì dầu lửa pha nhớt cũng đã hết. Không biết là đâu nhưng có lẽ gần với khu dân cư vì họ thấy trên bờ có một ngôi nhà ra dáng là công sở. Ba Lộc nói: “Chốt biên phòng nhưng không biết của ai”. Vừa lúc ấy có hai cậu thanh niên mang súng từ nhà chạy ra nhìn rồi một người chạy vào, sau đó có thêm hai người khác nữa. Một người khoảng ba mươi tuổi, ra vẻ chỉ huy bước xuống tàu chào mọi người rồi ghé mắt nhìn khắp lòng tàu. Anh hỏi:
- Các bác là người ở mô (đâu)?
Văn Công Cưỡng nhanh miệng:
- Dạ tụi tôi dân Gò Công, vì mới đi biển lần đầu gặp bão nên chạy lạc, rủi tàu hết dầu nên ghé vào đây.
- Chẳng hay đây thuộc tỉnh nào hả chú? - Ba Lộc rời chỗ lái bước tới hỏi.
Anh không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nói:
- Các bác cứ tạm ở đây, rồi chúng tôi tìm mua dầu hộ cho.
Bước lên bờ anh ra hiệu rồi họ cùng vô nhà.
- Chắc là bộ đội, anh Năm. - Năm Hớn nói nhỏ vào tai Năm Công.
- Không giống ngụy chút nào. - Tiếng Ba Lộc.
- Bộ đội hoặc du kích địa phương chứ không phải ngụy đâu. - Văn Công Cưỡng quả quyết.
Nhìn cách ăn mặc và cử chỉ của họ, Năm Công nghĩ đó là bộ đội miền Bắc nhưng dù sao anh cũng phải dè dặt, không nên tiết lộ nhiệm vụ của mình quá sớm. Biết đâu...
- Theo tôi vầy đi anh Năm - Hai Luông cắt ngang dòng suy nghĩ của Năm Công. Vừa nói anh vừa cởi chiếc áo lấm lem dầu nhớt để mặc chiếc áo mới - Lát nữa mấy chú ấy ra mình xin lên nhà nghỉ tạm, có thể dò la thêm được họ là ai, và đây là đâu.
Năm Công đồng ý, anh nói:
- Chắc là họ cũng đang dò xét mình. Lúc nãy, họ không trả lời đây thuộc tỉnh nào vì còn nghi ngờ mình là do thám của địch. Nếu lát nữa họ đồng ý cho lên nhà tức là tình hình đã có chiều thuận lợi.
Mọi người còn đang bàn tán thì có một chú thanh niên khoảng mười tám tuổi bước xuống tàu:
- Các bác có cần nước đun sôi để pha chè (trà) không ạ?
Năm Công nghĩ đó chính là tín hiệu mở ngỏ. Không bỏ lỡ cơ hội, anh mạnh dạn nói:
- Cám ơn chú. Nhờ chú xin phép cấp chỉ huy cho chúng tôi lên nhà tắm rửa chứ anh em mấy ngày nay lênh đênh trên biển, mình mẩy rích rắm khó chịu quá!
Anh thanh niên nhìn anh cười, gật đầu:
- Mời các bác theo cháu.
Vậy là họ đã có sự thống nhất trước. Hai Luông nghĩ, mừng thầm.
Nhà không rộng, chỉ độ mười sáu mét vuông, tường xây xi- măng nhưng mái lợp rạ. Đập vào mắt mọi người khi vừa bước đến cửa là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng trên vách, hai bên là những bằng khen của Ủy ban Nhân dân và của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Ai nấy như mở cờ trong bụng nhưng không dám biểu lộ ra nét mặt. Biết đâu đây là đòn tâm lý của giặc?
- Mời các bác xơi nước - Tiếng của người đàn ông khoảng ba mươi tuổi. Ở đây anh là người lớn tuổi nhất.
Thấy chú thanh niên rải lúa cho gà ăn trước sân, nhưng có lẽ là để theo dõi đoàn người lạ, Hai Luông bước ra, móc trong túi ra tờ giấy bạc 5 đồng có hình Ngô Đình Diệm.
- Chú làm ơn mua giùm chúng tôi thuốc hút.
Anh nhìn tờ giấy bạc trên tay Hai Luông, lắc đầu:
- Ở đây không xài tiền ni.
- Ủa, vậy tiền nào hả chú?
- Xài bạc Cụ Hồ cơ.
Hai Luông không giấu được nụ cười vui.
Lúc đi tắm, họ tranh thủ họp trao đổi, và nhanh chóng đi đến quyết định.
Lúc trở lên nhà ai nấy ăn mặc chỉnh tề, Năm Công nói với người đàn ông lớn tuổi mà anh nghĩ đó là vị thủ trưởng ở đây.
- Thú thật, chúng tôi là dân từ miền Nam ra nhưng tới đây thì tàu hết dầu nên không thể đi tiếp. Nhờ chú bằng cách nào liên lạc gấp xin cho chúng tôi gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Người đàn ông như đoán được việc hệ trọng, anh thoáng ngập ngừng:
- Vâng. Nhưng báo cụ thể về việc gì ạ?
- Chú cứ báo với đồng chí bí thư chúng tôi cần gặp vì việc bí mật là được.
Rồi 3 ngày sau, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh xuống gặp đoàn (đồng chí bí thư vì bận họp nên không đến được). Năm Công thay mặt Đoàn báo cáo nhiệm vụ, mục đích của chuyến đi, nhờ đồng chí mật báo về Ban Thống nhất Trung ương.
Ban Thống nhất Trung ương cho xe từ Hà Nội về rước Đoàn và tổ chức cuộc gặp gỡ đúng vào dịp lễ Quốc khánh (2-9-1960). Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm hỏi từng thành viên. Sau khi nghe báo cáo, Bác cùng các vị Trung ương vừa cười vừa lắc đầu. Bác nói:
- Mấy chú quả là liều mà gặp may, chứ ai đời hàng hải mà không có hải đồ!
Đoàn được ở lại Thủ đô học tập, tham quan nhiều nơi, đến ngày 10-9-1962 được lệnh về Nam trên chiếc tàu mới trọng tải 25 tấn. Vũ khí chuyển về gồm súng tiểu liên, trường 44, súng trường Mỹ, Anh, Pháp, cối 6 - cối 8 và rất nhiều đạn dược...
Đó là chuyến tàu thứ hai mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển kể từ sau ngày Bến Tre Đồng Khởi. Tàu xuất phát ngày 18-8-1960 (chuyến thứ nhất trước đó 4 ngày) đến 26-8-1960 thì đến Hà Tĩnh. Và vì chuyến về xuất phát ngày 10-9-1962 nên đoàn mang tên đoàn 962.
Mặc dù từ chuyến đầu tiên ấy đến năm 1974, Hai Luông - người thợ máy bất đắc dĩ trong câu chuyện này có tất cả 8 chuyến ra Bắc vào Nam trên những con tàu không số với những nguy hiểm khôn lường, nhưng chuyến mở đường lịch sử ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời cách mạng của Hai Luông.
(Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Luông - xã Thừa Đức - huyện Bình Đại)