Chuyện ngư dân Thái Lan đang lưu lạc ở Bình Đại

22/02/2010 - 08:39
Neur (bìa trái) cùng tham gia sinh hoạt với Bộ đội Biên phòng. Ảnh: P.Y

Ngay khi bài báo này lên khuôn thì chúng tôi nhận được tin vui từ Đồn Biên phòng 594: Ngày mai (23-2-2010), Neur sẽ được Đại sứ quán Thái Lan tiếp nhận và đưa về nước. Thật còn vui nào bằng!

Sau khi Báo Đồng Khởi và một số báo ngoài tỉnh đăng tin Đồn Biên phòng 594, huyện Bình Đại đang giữ một ngư dân Thái Lan, ngày 9-2-2010, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM Somchai Powcharoen cho biết nguyên nhân chưa đưa ngư dân Neur Klingpralai (tên khai với người viết là Nerr Kee Pra Laor) về Thái Lan vì phía Thái Lan chưa xác nhận được chứng minh nhân dân và hộ khẩu của Neur. Tổng Lãnh sự Thái Lan cũng cho hay: “Cha mẹ của Neur đều đã qua đời và không có anh, chị, em, họ hàng thân thích, nên việc xác minh ông Neur là công dân Thái Lan khá khó khăn”.
Theo Luật Quốc tế, cơ quan ngoại giao của tất cả các nước có nhiệm vụ hỗ trợ công dân nước mình gặp nạn trên nước sở tại để đưa về bản xứ. Nhưng việc tiếp nhận và đưa về nước chỉ thực hiện được khi có bằng chứng rõ ràng rằng cá nhân đó thực sự là công dân của nước mình. Ông Somchai Powcharoen cho biết: “Luật pháp Thái Lan qui định công dân mang quốc tịch Thái Lan phải có giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thể hiện mình là công dân Thái Lan. Tuy nhiên, hiện nay thuyền viên và lao động trên tàu đánh bắt cá của Thái Lan không chỉ hoàn toàn là công dân Thái Lan mà còn có công dân của các nước láng giềng làm việc tại Thái Lan. Do đó, vì tính xác đáng và ngăn ngừa những vấn đề đáng tiếc trong việc trao trả nhầm những cá nhân mạo nhận là công dân Thái Lan, việc xác định quốc tịch phải được tiến hành trước hết”.
Chúng tôi lại một lần nữa tìm đến Neur vào một ngày giáp Tết. Đúng là Neur chẳng có chứng minh thư, hộ khẩu. Nhưng Neur khẳng định, anh có nhà tại số 59 - moo 5 - B ban soun mai - T. Dong Kee Leang - A. Maong - Pa Chin Bu Ry - Thái Lan. Neur cho biết anh sinh ra và lớn lên tại nơi này. Cha anh tên Pha-rít, 52 tuổi đã chết; mẹ tên Nang-xa-lỏng, 40 tuổi cũng đã qua đời. Cả cha và mẹ đều đi làm thuê kiếm sống. Gia đình Neur có 4 anh chị em nhưng 2 người trong số họ đã chết. Hiện Neur còn 1 chị gái tên Ko-ví-xuyen Klingpralai.
Hoàn cảnh gia đình Neur rất khó khăn. Anh chưa học hết tiểu học. Nhưng để được đến trường, vì không có giấy tờ tùy thân, nên cô giáo tên Bun Xuổm đã giúp Nuer vào học ở trường Vắt-lăm-đuôn. Học chưa hết lớp 5 thì Neur nghỉ để đi làm thuê kiếm sống.
Có một điều rằng Neur nhiều lần khẳng định với cơ quan chức năng, anh không phải là ngư dân. Neur kể, lần đó anh đi tìm việc làm tại Trung tâm ga xe lửa Hứa-lăm-phong thì có một người đàn ông đến vỗ vai anh và hỏi có cần đi đâu hay tìm việc làm không. Neur trả lời rằng đang đi tìm việc thì người đàn ông này mời Neur đi ăn và hứa giúp đỡ. Nhưng khi ăn uống xong, Neur không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, anh đã thấy mình ở trên tàu. Tàu này có tên là So-đu-ngân của những người nói giọng miền Nam Thái Lan. Neur cho biết anh bị đối xử rất tệ. Người ta bắt anh làm việc, rồi chửi mắng, không cho ăn no. “Làm việc khoảng 1 tháng, tôi chịu không nổi nên quyết định nhảy xuống biển bỏ trốn. Tôi nhảy xuống biển lúc 2 giờ chiều, thì khoảng đến 6 giờ được tàu đánh cá của Việt Nam cứu giúp” – Neur nói.
Hỏi thêm về nơi sinh sống, Neur mô tả nhà anh ở đầu hẻm chùa Vắt-nỏng Thá-lê (Hồ Biển), gần nhà trưởng thôn tên Phu-đây-lốt. Neur cũng cho biết trưởng thôn này khoảng 30-35 tuổi, có vợ tên là Pa-mèn bán tạp hóa. Neur tha thiết mong sớm được về nhà và sau đó là có một việc làm ổn định.
Ông Somchai Powcharoen cho biết: “Nhân viên của Bộ Phát triển và An sinh xã hội đã phối hợp với Bộ Nội vụ Thái Lan đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề bằng cách đến tận địa phương để xác minh gốc gác của ông Neur, hy vọng là sẽ nhận được kết quả trong thời gian gần đây”.

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN