Chuyện về hai đảng viên đấu tranh chống tham nhũng

27/10/2009 - 13:42
Anh Nguyễn Hữu Thiết (phải) và anh Võ Hoài Linh.

Phát hiện sai phạm về thu chi tài chính tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Thành (Bến Tre), hai cán bộ Nguyễn Hữu Thiết và Võ Hoài Linh đã liên tục đấu tranh. Gần một năm trời ròng rã vạch trần tiêu cực, nhiều lúc họ muốn bỏ cuộc vì gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ tin tưởng vào công lý và giữ vững lập trường, các anh đã vượt qua trở ngại, tiếp tục phanh phui, đưa vụ việc ra ánh sáng.

Anh Võ Hoài Linh, đảng viên, cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường (Phòng TNMT) Châu Thành là người phát hiện nhiều điểm “đáng ngờ” trong hợp đồng đo đạc lập lưới đường chuyền Công trình nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai. Bên thuê đo đạc là Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VP.ĐKQSDĐ) huyện Châu Thành do giám đốc Hồ Thị Huỳnh Lan ký kết với bên thực hiện đo đạc là Công ty Cổ phần Quốc Thái An, trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, do ông Nguyễn Trần Quỳnh làm giám đốc. Theo giấy tờ, hợp đồng được ký vào ngày 17-4-2008, nhưng thực tế việc đo đạc lập lưới đường chuyền Công trình nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai được bắt đầu trước đó, vào tháng 2-2008. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề đo đạc, anh Linh biết, nếu là ngành chuyên môn thực hiện thì chỉ tiến hành trong 4 tháng là xong, nhưng công việc này cứ “dậm chân” tại chỗ. Là đảng viên, muốn sự việc được rõ ràng, không để gây tổn hại đến uy tín cơ quan và của ngành, anh Linh báo cáo sự việc với anh Nguyễn Hữu Thiết-Phó Trưởng Phòng TNMT huyện Châu Thành-Bí thư Chi bộ Phòng TNMT Châu Thành bấy giờ.
Lúc đầu, anh Nguyễn Hữu Thiết rất phân vân, không nghĩ rằng có tiêu cực xảy ra ở VP.ĐKQSDĐ. Sau khi tìm hiểu ở một số cán bộ đảng viên và xác nhận của anh Châu Minh Thiện - tổ trưởng Tổ đo đạc VP.ĐKQSDĐ Châu Thành (hiện là Phó Chủ tịch Công đoàn Phòng TNMT Châu Thành), anh Thiết quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc để bảo vệ uy tín cơ quan và giữ vững sự trong sạch của Chi bộ Đảng Phòng TNMT. Khi nắm chắc được hợp đồng kinh tế do bà Lan ký kết cùng Công ty Cổ phần Quốc Thái An  chỉ là hình thức, nhằm hợp thức hóa trên giấy tờ để “chữa cháy”, vì trước đó, bà Lan đã thuê ông Nguyễn Duy Hùng, cán bộ đo đạc của Xí nghiệp Trắc địa bản đồ 301 (ông Hùng là chồng của một nhân viên dưới quyền bà Lan). Trên thực tế, ông Hùng không có tư cách pháp nhân mà vẫn được bà Lan ký hợp đồng và đã lệnh cho thuộc cấp tạm ứng tiền chi trả cho ông Hùng. Sau này, cho đến lúc công việc hoàn thành, do ông Hùng không có tư cách pháp nhân để ký xác nhận kết quả đo đạc, bà Lan đã chỉ đạo cho ông Nguyễn Văn Phấn là cấp phó của mình, ký tên và đóng dấu VP.ĐKQSDĐ vào ngày 20-5-2008,  xác nhận thành quả trên do VP.ĐKQSDĐ thực hiện và gửi về Sở TNMT Bến Tre để thẩm định.
Cuộc đấu tranh chống tiêu cực của hai đảng viên này lại càng khó khăn hơn, có một số người khuyên hai anh nên bỏ cuộc vì sợ đụng chạm với một số vị trước đây là lãnh đạo của huyện. Lúc đầu, lãnh đạo huyện không tin VP.ĐKQSDĐ xảy ra tiêu cực. Nhiều lúc, các anh cảm thấy bị cô lập, mất sức chiến đấu. Nhưng với danh dự của người đảng viên và vì uy tín của cơ quan, của ngành, các anh đã không bỏ cuộc, quyết chống lại hành vi tham nhũng đến cùng.
Kể về chuyện đấu tranh chống tiêu cực, anh Nguyễn Hữu Thiết xúc động: “Họp chi bộ, tôi đã nhiều lần nhắc nhở đồng chí Lan nên tự sửa sai nhưng không có kết quả. Đến nỗi, lãnh đạo huyện cứ nghĩ là trong nội bộ cơ quan tôi “đấu đá” nhau, buộc tôi và anh Linh phải viết kiểm điểm, chúng tôi rất buồn nhưng vẫn không nản chí”. Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, anh Thiết cùng anh Linh đã xin gặp Bí thư Huyện ủy Châu Thành bấy giờ là ông Trần Ngọc Tam (hiện là Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch), báo cáo trực tiếp vụ việc và được ông Tam động viên. Tại cuộc họp ngày 18-2-2009, do Chủ tịch UBND huyện chủ trì, với sự tham dự của nhiều ngành liên quan, anh Thiết đề nghị UBND huyện cho thành lập Đoàn Thanh tra để thanh tra việc tiêu cực này. Đến ngày 2-3-2009, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành ký  Quyết định số 719/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn Thanh tra “thanh tra toàn diện các hoạt động thu chi tài chính đối với VP.ĐKQSDĐ huyện Châu Thành”.
Qua thanh tra, vụ tiêu cực trong hợp đồng đo đạc lập lưới đường chuyền Công trình nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai được đưa ra ánh sáng. Chỉ tính riêng hợp đồng với Công ty Cổ phần Quốc Thái An, giá trị trọn gói với tổng số tiền là 90 triệu đồng, gồm các hạng mục: chôn 60 mốc đường chuyền và đo đạc ngắm kinh vĩ  190 điểm; mỗi trụ mốc được quyết toán với giá 170 ngàn đồng, nhưng thực tế chỉ có giá khoảng 30 ngàn đồng (kể cả tiền công chôn trụ). Qua hợp đồng khống này, bà Lan và ông Hùng đã “rút ruột” Nhà nước số tiền hơn 20 triệu đồng; đồng thời, Đoàn Thanh tra còn phát hiện ra nhiều sai phạm khác. Theo Kết luận thanh tra, từ đầu năm 2007 đến 10-3-2009, VP.ĐKQSDĐ huyện Châu Thành đã có nhiều sai phạm. Bà Hồ Thị Huỳnh Lan là người đứng đầu cơ quan nhưng đã buông lỏng trách nhiệm quản lý, không kiểm tra, đối chiếu quỹ  của đơn vị để thủ quỹ và kế toán làm thất thoát trên 50 triệu đồng; việc lập và sử dụng các loại quỹ  (gồm quỹ tăng thu nhập, khen thưởng, phúc lợi) không cân đối rõ ràng, đã chi vượt mức cho phép 159 triệu đồng; chưa giao dịch thường xuyên vào tài khoản đã mở tại Kho bạc Nhà nước huyện, để tiền tồn quỹ trên sổ sách quá lớn và chi tạm ứng chưa đưa vào sổ theo dõi kế toán với số tiền trên 900 triệu đồng; việc cập nhật hóa đơn, biên lai các nguồn thu không thường xuyên hàng ngày, để thất thoát số tiền hơn 3,4 triệu đồng; các chứng từ khi quyết toán với Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện bị xuất toán, không thu hồi được hơn 16 triệu đồng; ngoài ra, đơn vị này đã bán mẫu hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng theo quy định của UBND tỉnh cho phép, giá 8.000 đồng/ bộ nhưng VP.ĐKQSDĐ lại bán 10.000 đồng/ bộ.
Với những sai phạm trên, ngày 16-7-2009, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Ngô Văn Măng đã ký quyết định kỷ luật đối với bà Hồ Thị Huỳnh Lan với hình thức cách chức, ông Nguyễn Văn Phấn với hình thức cảnh cáo. Trong niềm xúc động, anh Võ Hoài Linh kể: “Một năm roòng, tui tưở…ng công sức đấu tranh của mình là đi suông. Thật không ngờ lại được kết quả…”. Hiện anh Linh rất phấn khởi vì vụ việc tiêu cực đã được đưa ra ánh sáng, giải tỏa được tâm lý nặng nề của anh từ hơn một năm qua. “Từ nay, tôi không ngại phải đối mặt với người dân nữa”, anh Linh nói.
Tại buổi họp mặt các cá nhân, tập thể điển hình trong phòng, chống tham nhũng tỉnh Bến Tre tổ chức vào ngày 16-10-2009, nhiều người tham dự đã chú ý đến anh Nguyễn Hữu Thiết, nguyên Phó Trưởng Phòng TNMT Châu Thành (hiện là Bí thư xã An Hiệp). Khi được Ban tổ chức mời phát biểu, anh Thiết xúc động nói: “Trong chống tiêu cực vừa qua, nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc vì gặp nhiều khó khăn và những người cơ hội. Nhưng vì danh dự, vì lẽ phải và bản thân tôi tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào sự hưởng ứng của đồng đội nên tôi quyết tâm  đấu tranh đến cùng. Mong rằng, Nhà nước nên có cơ chế thích hợp bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng”. Anh Thiết cho biết, sau khi bà Lan bị cách chức giám đốc VP.ĐKQSDĐ, nhiều người dân trước đây đã gửi đơn tố cáo tới Huyện ủy Châu Thành, bày tỏ sự hoan nghênh, xem cách xử lý của lãnh đạo huyện như là “Bao Công” thời nay và người dân như được trúng số độc đắc. Anh Thiết cũng nêu nguyện vọng của mình là cần phải xử lý vụ việc này cho ráo rẻ để góp phần răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Tại buổi họp mặt, ông Phan Bá-Vụ trưởng Vụ VIII, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương đã phát biểu: “Những đồng chí được tuyên dương hôm nay rất xứng đáng. Các đồng chí công tác ở ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát đã tự giữ mình, luôn liêm khiết, trong sạch để không vướng vào tham nhũng. Tôi đặc biệt ấn tượng với đồng chí Thiết và đồng chí Linh, vì hai anh đã mạnh dạn đứng ra tố cáo, vạch trần tham nhũng. Đây là gương điển hình mà chúng ta cần noi theo.”…
Chia tay hai người đảng viên này, tôi rất ngưỡng mộ và cảm thông với những trăn trở của các anh. Được biết, dù trong hoàn cảnh hay điều kiện công tác nào, hai đảng viên này vẫn là những người luôn xung kích trên trận tuyến đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bài, ảnh: HUỲNH ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN