|
Chợ Quới Sơn, tại Khu công nghiệp Giao Long mới được xây dựng. Ảnh: H.Hiệp |
Trong vài năm gần đây, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại dịch vụ ngoài việc đầu tư của Nhà nước còn có sự hỗ trợ rất lớn từ phía tư nhân qua công tác xã hội hóa.
Tuy nhiên, qua quá trình đầu tư khai thác, nhất là hệ thống chợ tư nhân đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cần có giải pháp tháo gỡ. Để hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân, Sở Công Thương đã xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ và qui hoạch phát triển thương mại đến năm 2020.
Sau thời gian xây dựng, đề án đã được thông qua các thành viên UBND tỉnh, nhiều đại biểu được góp ý chấn chỉnh. Trong đó cần nêu rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đối với Dự án đầu tư xây dựng chợ kết hợp với kinh doanh bất động sản theo hình thức phân lô bán nền. Rút ngắn qui trình xin chủ trương đầu tư và có qui định cơ quan đầu mối tiếp nhận Dự án đầu tư. Việc hỗ trợ 30% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với thực tế. Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh phải làm đầu mối xin chủ trương đầu tư đối với chợ loại I, loại II. Riêng chợ loại III thì giao cho UBND các huyện, thành phố làm đầu mối. Thống nhất qui định mức hỗ trợ cho nhà đầu tư tối đa bằng 40% chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, nếu tổng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lớn hơn chi phí chuyển mục đích sử dụng đất của Dự án. Đồng thời, qui định chủ đầu tư phải dành ít nhất 40% diện tích đất trong Dự án để xây dựng các công trình công cộng. Nếu đất của nhà đầu tư sau khi hết thời gian khai thác theo Dự án thì chủ đầu tư xin gia hạn để tiếp tục kinh doanh hoặc chuyển mục đích sử dụng theo qui định. Riêng trong qui hoạch phát triển thương mại giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020, ngành công thương cần có giải pháp cơ cấu thị trường; xem xét, đưa vào qui hoạch Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại huyện Châu Thành. Cân nhắc kỹ lưỡng việc xóa bỏ các chợ nông thôn. Tính toán lại mức đầu tư xây dựng chợ. Tiếp tục phân loại thương mại theo từng vùng cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Xác định thị trường đặc trưng và các nhóm hàng hóa mang tính đặc thù của tỉnh. Qui hoạch vùng phát triển cây ăn trái đặc sản an toàn của tỉnh cần bổ sung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập ảnh hưởng trực tiếp đến các loại cây trái đặc sản. Cần có đánh giá sâu về hiệu quả đầu tư; các giải pháp cụ thể để thực hiện, vì diện tích cây ăn trái trong tỉnh hiện nay đa số đều là diện tích trồng xen và rất có hiệu quả. Cần có giải pháp tìm đầu ra cho các loại cây trái, kể cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Phải có chương trình, dự án cụ thể để kêu gọi, xúc tiến đầu tư phát triển các nhà máy chế biến. Định hướng thị trường vào qui hoạch kết hợp các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là mối liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm. Cơ cấu lại thị trường tiêu thụ phù hợp, khuyến khích người dân liên kết sản xuất, tạo sản phẩm lớn, tăng khả năng cạnh tranh.