|
Một gian hàng tham gia trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015 tại Vũng Tàu. Ảnh: ST |
Trong môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, đổi mới công nghệ được xem là công cụ chiến lược để doanh nghiệp (DN) phát triển một cách nhanh chóng và bền vững. Giải pháp tốt nhất của vấn đề này là thông qua việc khảo sát, điều tra nhu cầu của người sản xuất hoặc thông qua chợ công nghệ và thiết bị (CN&TB).
Tìm kiếm đối tác
Chợ CN&TB thường được tổ chức trong thời gian từ 3 đến 5 ngày. Mục đích là hỗ trợ và thúc đẩy giao dịch mua, bán CN&TB, thông qua việc cung cấp hạ tầng và dịch vụ cần thiết để người mua và người bán tiếp xúc, thỏa thuận và thực hiện giao dịch mua bán CN&TB thuận lợi trong một thời gian và không gian nhất định. Chợ CN&TB còn là nơi tạo sự gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đổi mới công nghệ; xúc tiến thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN); nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ; đồng thời thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ tiên tiến giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
DN tham gia chợ CN&TB sẽ có nhiều cơ hội hợp tác. Bởi đây được xem là cầu nối giao thương giúp các DN có cơ hội tìm hiểu nhau và nắm bắt cơ hội hợp tác; là nơi các DN có thể lựa chọn những sản phẩm phù hợp với mình để đổi mới công nghệ; là nơi các nhà sản xuất có thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm, thể hiện chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Chi phí DN bỏ ra để gặp gỡ, tìm kiếm nhà phân phối, đối tác không quá lớn…
Định mức hỗ trợ cho DN tham gia các phiên chợ CN&TB được quy định cụ thể trong Thông tư liên tịch số 59/2015/TTLT-BTC-BKHCN của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN về việc hướng dẫn quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020. Cụ thể, tại điểm đ Khoản 2 Điều 5, mức chi hỗ trợ tối đa 50% kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với DN, các tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xác định đối tượng tiềm năng của hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN. Nội dung hỗ trợ cụ thể được quy định ở điểm b Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 32/2014/TT-BKHCN của Bộ KH&CN bao gồm tổ chức hoặc tham gia chợ năng suất lao động và chất lượng hàng hóa (Techmart), trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo).
Những kết quả bước đầu
Gần đây đã có nhiều chợ CN&TB được tổ chức tại Việt Nam thu hút rất nhiều DN tham gia. Cụ thể, chợ CN&TB quốc tế Việt Nam năm 2015 tổ chức tại Hà Nội thu hút hơn 750 đơn vị với 600 gian hàng. Trong đó có trên 500 DN, 110 đơn vị uy tín, 22 trường đại học hàng đầu về công nghệ, 32 Sở KH&CN, 57 nhà sáng chế không chuyên. Ngoài ra còn có các sản phẩm KH&CN đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Triều Tiên, Nga, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Lào. Hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015 tại TP. Vũng Tàu có sự tham gia của gần 1.000 đại biểu, 103 đơn vị với 150 gian hàng tham gia trình diễn, giới thiệu 250 CN&TB, kết quả nghiên cứu.
Trên địa bàn tỉnh, các lần tổ chức chợ CN&TB luôn được Sở KH&CN thông tin đến các DN; tích cực liên hệ và khuyến khích, hỗ trợ DN tham gia sự kiện này. Sở KH&CN đã hỗ trợ cho 7 DN và 3 cơ sở sản xuất cây giống của tỉnh tham gia chợ CN&TB tổ chức tại Đắk Nông vào năm 2013 và tại Hà Nội vào năm 2015. Kết quả có 3 bản ghi nhớ được ký kết liên quan đến sản phẩm giống cây ăn trái, hoa kiểng và các sản phẩm chế biến từ dừa. Sở cũng đã hỗ trợ 1 DN tham gia sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015 tại Vũng Tàu.
Trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục thông tin và khuyến khích DN tham gia các sự kiện chợ CN&TB; tiến hành hỗ trợ các DN theo định mức của Dự án năng suất chất lượng. Tin rằng, trong tương lai, các sản phẩm chủ lực của tỉnh sẽ vươn xa ra thị trường cả nước và khu vực, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia và địa phương.