Có một mô hình nuôi gà khép kín

17/01/2013 - 15:40
Anh Thái Vũ Sơn đang chăm sóc đàn gà.

Trước đây, anh Thái Vũ Sơn, sinh năm 1977, ở ấp Phước Thới, xã Phước Tuy (Ba Tri) đến tỉnh Tiền Giang phụ việc nuôi gà của người thân do Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư. Thấy nuôi gà hiệu quả, năm 2010, anh Thái Vũ Sơn đã thực hiện mô hình nuôi gà công nghiệp gia công tại gia đình do Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư.

Thực hiện mô hình này, anh được Công ty CP cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Khi gà đạt trọng lượng xuất chuồng, Công ty sẽ nhận sản phẩm để tiêu thụ và trả tiền công mỗi con gà là 5.000 đồng. Nếu chăm sóc kỹ, gà đạt trọng lượng cao, anh được Công ty trả tiền cao hơn. Gà nuôi là giống Tam Hoàng. Sau 50 ngày nuôi thì gà đạt trọng lượng để xuất chuồng. Bình quân, một năm nuôi được 5 đợt gà. Với diện tích 700m2, anh Sơn đầu tư 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại và được Công ty đầu tư nuôi 7.000 con gà.

Anh Sơn cho biết: Để gà phát triển tốt, khi gà còn nhỏ, người nuôi phải giữ ấm cho gà bằng cách dừng mủ bạt che xung quanh, đồng thời dùng đèn điện thắp sáng với nhiệt độ 330C. Sau đó, mỗi ngày giảm nhiệt độ dần để dần dần tương đồng với nhiệt độ tự nhiên. Đến 7 ngày thì chỉ giữ gà trong chỗ có che bạt, không dùng đèn thắp sáng. Đến 14 ngày, thì thả gà tự do ra chuồng. Đó là cách chăm sóc, còn thuốc men, khi gà được 5 ngày tuổi thì nhỏ các loại vắc-xin vào mắt, đến 12 ngày thì chích 18 ngày và 21 ngày thì cho uống để ngừa các bệnh như dịch tả, rum bô rô, CRD. Ngoài ra, khi gà được 7 ngày tuổi thì tiêm vắc-xin ngừa bệnh H5N1. Lúc còn nhỏ, người nuôi sử dụng thức ăn có hạt nhuyễn để gà dễ ăn, dễ tiêu hóa, mỗi ngày cho ăn 3 lần. Sau đó, giảm dần số lần cho ăn trong ngày và thức ăn có thể to hơn theo sự phát triển của gà. Trước khi thả nuôi, dưới nền chuồng phải trải trấu với độ dày 10cm để phân gà dễ phân hủy, không làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của gà”.

Nhờ chăm sóc tốt, phù hợp với điều kiện ở địa phương nên đàn gà của anh phát triển tốt. Đến nay, anh nuôi gà được 10 đợt. Mỗi đợt, anh được Công ty trả tiền gia công 30 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi đợt nuôi anh còn thu 5 triệu đồng từ tiền bán phân gà. Anh Sơn cho biết thêm: “Nuôi gà theo mô hình này tôi rất yên tâm về thu nhập, không phải lo âu, gánh chịu rủi ro”.

Anh Sơn còn sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật cho 10 hộ nuôi gà ở địa phương, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Ngoài ra, anh còn đóng góp kinh phí để xây dựng giao thông nông thôn, tặng nhà tình nghĩa, tình thương …

Từ kết quả này, anh Thái Vũ Sơn vừa được Hội Nông dân tỉnh Bến Tre công nhận là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Lư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tuy cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà của anh Thái Vũ Sơn đã mang lại hiệu quả cao, tạo thu nhập bền vững cho người nuôi. Sắp tới, Hội phối hợp với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tiếp tục đầu tư mô hình này để nhân rộng cho nông dân ở địa phương, đồng thời phối hợp với ngân hàng giải quyết cho nông dân vay vốn để đầu tư chăn nuôi nếu có yêu cầu”.

Bài, ảnh: Trần Xiện

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN