Có những thanh niên không bỏ quê lên thành

24/02/2009 - 14:03

Cách nay vài năm, hiện tượng một bộ phận thanh niên ở nông thôn bỏ quê lên thành phố tìm việc làm phổ biến đến mức trở thành phong trào.

Có lúc, phong trào này rầm rộ như một chứng bệnh tinh thần được lây truyền và khuyếch tán nhanh chóng không kiểm soát được. Không ai thống kê trong số đó có bao nhiêu người tìm được việc làm ổn định, bao nhiêu người phải lận đận nơi đất khách quê người. Tuy vậy, vẫn còn có nhiều thanh niên quyết tâm bám đất, bám làng, họ chấp nhận những công việc bình thường.

Nguyễn Huy Phong, ba mươi tuổi, quê ở ấp Hòa Thuận, Vĩnh Bình, Chợ Lách “bôn ba” ở Sài Gòn gần 5 năm trời. Anh làm đủ mọi công việc: phụ in lụa, phụ hồ, phụ sửa xe… 5 năm anh trở về quê không dư được một đồng, lại còn phải nhờ sự chu cấp tiền của cha mẹ ở quê để đóng học phí sửa xe. Bị ông chủ (cùng quê) đày như người ở, mấy năm học chỉ nắm lõm bõm vài thứ căn bản... Thất vọng, chán nản, anh quảy gói trở về quê. Loay hoay với những dự định không đầu không cuối, rất may, một chủ vườn gần nhà gọi anh tới làm công nhật cho họ. Bây giờ thì Phong đã mãn nguyện với thu nhập của mình ở quê. Công việc của anh hiện nay khá nhàn nhã, tưới cây, rải phân, hái trái và làm “giờ hành chánh” đàng hoàng. Mỗi tháng anh lãnh một triệu rưỡi (chủ lo cơm trưa), đủ để anh tích lũy lo cho vợ, cho con.

Cũng như Phong, Lê Long Đỉnh ở cùng ấp đã “trầy trật” ở Sài Gòn trên bảy năm với lao động phổ thông. Ở thành phố, lương mỗi tháng trên dưới một triệu đồng chưa đủ để anh cà phê, thuốc hút với bạn bè, lấy đâu mà phụ giúp với cha mẹ ở nhà. Trở về quê, anh gia nhập với một nhóm phụ hồ, công việc tuy có cực nhọc nhưng đi làm gần nhà, xong việc, anh còn có thể phụ giúp gia đình chăm sóc vườn tược và thu nhập cũng khá ổn định (hiện nay là 60.000đ/ngày, không cơm). Chi phí ở quê không đắt đỏ như ở Sài Gòn, ăn thì cá mắm qua loa cũng được nên tháng nào anh cũng có dư đủ để đỡ đần cho gia đình và chăm sóc vợ con.

Những thanh niên như Phong và Đỉnh, ở quê, các anh không sợ thiếu việc làm. Phong làm cho đến hết mùa vụ, anh có thể đi phụ hồ, đóng rổ chôm chôm, tỉa nhãn… Còn Đỉnh, công việc phụ hồ của anh hình như chưa bao giờ “ế” vì hiện nay những công trình xây dựng ở nông thôn đang được mở rộng, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, nhất là phụ hồ là rất cao và tất nhiên cầu nhiều hơn cung.

Khác với Phong và Đỉnh, Bùi Công Khanh và Đào Ngọc Toàn, hai thanh niên này đã “mài” nghề mười mấy năm nay. Lúc đầu là phụ hồ, rồi nghề dạy nghề, họ nâng dần kiến thức và kinh nghiệm xây dựng để trở thành “thợ”. Đương nhiên, thợ ở đây chưa được cấp chứng nhận, bằng cấp, nhưng kinh nghiệm thực tiễn cũng góp phần nâng “tuổi thọ” của mỗi công trình.

Ở ấp Hòa Thuận, Vĩnh Bình, ngoài những người đi phụ hồ, làm hồ như Phong, Đỉnh, Khanh, Toàn còn có khá nhiều những thanh niên khác có việc làm quanh năm, thu nhập ổn đinh như Vĩnh, Nhân giao hàng cho cơ sở xay lúa Huỳnh Bạch; Sên, Dũng giao hàng cho cửa hàng vật liệu xây dựng Ba Mai; Tân, Lâm, Minh, Tùng, Hiếu… đóng rổ cho các chủ vựa chôm chôm Năm Bông, Chánh Diễm, mỗi người một công việc, hầu hết họ bằng lòng với công việc ổn định hiện nay của mình. Tân nói: Đi đâu cho xa, ở chính quê mình cũng không thiếu việc làm, lại được gần vợ con, gia đình. Ngoài công việc làm cho chủ, những buổi trưa, buổi chiều được nghỉ, mình còn tranh thủ chạy về nhà tưới cây, rải phân hay làm một việc gì đó cho nhà mình, lợi cả đôi đường, tốt hơn không!

Cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo theo hàng loạt những hệ lụy mà nguy hiểm nhất là nạn thất nghiệp tràn lan do các công ty, doanh nghiệp bị chựng lại. Việt Nam cũng không thoát khỏi tình trạng đó. Hằng ngàn công nhân thất nghiệp ở cuối năm 2008, đầu năm 2009 và tình hình hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Cho thấy rằng, những thanh niên ở nông thôn cần nên bình tĩnh khi chọn cho mình một công việc, nhất là khi quyết định rời quê lên thành phố với mong muốn đổi đời. Đây cũng là một biện pháp mà các nhà hoạch định chính sách mới nên nghĩ tới.

Ngọc Vinh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN