|
Làm công tại vựa ve chai ở phường 7 - thành phố Bến Tre. |
1. Bốc dỡ hàng hóa là một công việc nặng nhọc, nhưng những người đã làm nghề này đều “trụ” lại được mươi năm, hai mươi năm, thậm chí là năm, sáu mươi năm….
Mỗi ngày như mọi ngày, tất cả những người làm nghề bốc dỡ hàng hóa chỉ mong sao có hàng về nhiều và liên tục, để ai cũng có việc làm. Tại Bến Lở (phường 1 - TP. Bến Tre), trong những ngày có nhiều hàng hóa, bình quân mỗi người phải bốc dỡ từ 3 đến 5 tấn hàng/ngày, với mức tiền công từ 100 đến 200 ngàn đồng/người. Việc bốc hàng không theo giờ giấc cố định mà phụ thuộc vào con nước, cho nên dù giữa đêm khuya, công nhân bốc xếp vẫn phải làm việc. Quen việc như vậy rồi, dù có vất vả như thế nào, công nhân cũng không ngán ngại, miễn là có thu nhập. Nhiều anh em vác xong tại Bến Lở đã tức tốc chạy xe đạp đi tìm thêm… mối khác, có khi phải lặn lội qua hàng chục cây số. Ông Dũng Râu - Tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa tại Bến Lở chia sẻ: “Muốn kiếm tiền thì phải lao động, phải làm việc. Có như vậy, dù có cực, nhưng tinh thần sảng khoái!”.
2. Thời gian cứ trôi qua và gánh nặng cuộc đời càng lớn thêm đối với những hoàn cảnh cơ nhỡ, bộn bề những cuộc mưu sinh. Ngày mùng một Tết vừa qua, với mọi người, đây là dịp để vui chơi, nghỉ dưỡng, nhưng với người đàn ông bán ổi dạo trên đường phố TP. Bến Tre, đây là dịp để bán được nhiều ổi với đồng lời khá hơn. Rất nhiều khách qua đường mua nhanh những trái ổi xanh bóng, ruột hồng, thơm phức và khen ngon khen ngọt, nhưng mấy ai biết rằng mớ ổi ấy là điểm tựa, là niềm tin cho hai người con của ông đang theo đường học vấn. “Cuộc đời chúng tôi dù có dãi dầu nắng mưa cũng không sao, miễn con cái có thể học hành đến nơi đến chốn là chúng tôi thỏa nguyện rồi. Vì vậy, nên dù là ngày Tết, tôi vẫn phải buôn bán” - người bán ổi tâm sự. Thật vậy, người ta không chỉ bắt gặp ông ở Bến Tre, mà còn tại TP. Hồ Chí Minh… Làn da của ông cũng đã sạm đen vì nắng gió, nhưng nụ cười tươi vẫn nở trên môi và giọng nói của ông vẫn toát lên vẻ thân thiện, gọi mời.
Nhọc nhằn đời bốc dỡ hàng hóa tại Bến Lở.
3. Người phụ nữ làm công tại một vựa thu mua ve chai (phường 7 - TP. Bến Tre) cũng ấp ủ một niềm tin vào cô con gái đang theo học đại học. Với chưa đầy 1 triệu đồng tiền công mỗi tháng, chị phải chi tiêu rất tiết kiệm. Bên cạnh đó, chị phải làm thêm nhiều việc bán thời gian. Chị trách sao mấy tháng nay, vựa ve chai của ông chủ cứ mỗi ngày thêm chất cao đến nóc. Bởi nếu có thể bán hết hàng và bán được giá cao thì người làm công như chị cũng được chủ vựa vui vẻ thưởng thêm chút ít tiền. Hy vọng của người lao động cũng chỉ giản đơn có vậy!
4. Ở một góc nhỏ cạnh Trung tâm Thương mại Bến Tre, có cô hàng nước tên Đặng Kim Lan. Với một chiếc ghế bằng nhựa cũ kỹ và chiếc thùng đựng nước sâm, cô Lan duy trì nghề bán nước sâm để nuôi bản thân và gia đình hàng mấy chục năm qua. Bán nước sâm không có nhiều tiền lời, nhưng nhờ có được nhiều khách quen ủng hộ, nên cái ăn mỗi ngày cũng được giải quyết. Nơi cô và các con trú ngụ cũng chỉ vỏn vẹn trong căn nhà khoảng 20m2. Có lẽ trong một không gian bé nhỏ ấy, thứ quý giá nhất mà họ có được là tình người và nghị lực vượt qua khó khăn.
Cuộc sống đối với mỗi người đều mang những sắc thái, ý nghĩa khác nhau, nhưng đáng quý nhất là con người sống biết lao động cần cù, siêng năng để vượt lên mọi khó khăn và luôn mang trong lòng những hoài bão, ước mơ tươi đẹp.