Cơ sở củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc

27/03/2017 - 07:09

Đại biểu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các Cơ quan lần thứ 7. Ảnh: Q. Hùng

Đoàn kết, nhất trí (ĐKNT) là vấn đề sống còn của cách mạng, là sức mạnh nội sinh của Đảng, giữ gìn sự ĐKNT là giữ gìn sinh mệnh của Đảng, là cơ sở để củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”.

Nhận dạng đoàn kết, nhất trí

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và xây dựng Đảng, Đảng ta luôn luôn chăm lo xây dựng khối ĐKNT, coi sự chia rẽ là một sự phá hoại Đảng. Thời gian qua, các tổ chức đảng (TCĐ) đã quan tâm xây dựng, củng cố khối đoàn kết, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, “một số nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, không thể xem thường; bên cạnh đó không ít TCĐ có biểu hiện đoàn kết xuôi chiều”. Từ tình hình thực tiễn ở một số TCĐ, Đại hội XI của Đảng chỉ rõ “Sự ĐKNT ở không ít cấp ủy chưa tốt”. Việc nhận dạng căn nguyên tiềm ẩn gây mất đoàn kết trong một số TCĐ có ý nghĩa thực tiễn cấp bách. Nguyên nhân mất đoàn kết ở các TCĐ rất đa dạng, có thể rút ra mấy dạng chủ yếu sau:

Thứ nhất, do mâu thuẫn về lợi ích. Có thể nói đây là căn nguyên sâu xa dễ gây mất đoàn kết trong TCĐ, cơ quan, đơn vị. Xét tới cùng, hoạt động của con người là nhằm theo đuổi những lợi ích nhất định. Nhưng lợi ích chỉ được khuyến khích, bảo vệ khi lợi ích đó không mâu thuẫn với lợi ích của Đảng, không làm tổn hại lợi ích tập thể, lợi ích các thành viên trong tổ chức. Thực tiễn cho thấy ở đâu mà cán bộ (CB), đảng viên (ĐV) có hành vi vun vén cá nhân, thậm chí tham nhũng, không quan tâm đến lợi ích chung thì sớm muộn cũng mất đoàn kết. Đã có những CB, ĐV tìm cách “chạy chức, chạy quyền” để mưu cầu lợi ích cá nhân. Kiểu dạng này thường xảy ra trong các kỳ đại hội đảng bộ các cấp và chuẩn bị đề bạt, bổ nhiệm CB, nhất là ở những cơ quan, đơn vị nắm giữ về kinh tế...

Thứ hai, lề lối, phong cách làm việc thiếu nền nếp, khoa học. Khi các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, quy chế của cơ quan, đơn vị không được giữ vững thì một số CB, ĐV dễ nảy sinh sự tùy tiện trong điều hành, thực thi công việc, kỷ luật lỏng lẻo, dẫn tới làm sai các nguyên tắc, chế độ. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa các CB chủ chốt trong tổ chức.

Thứ ba, do thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là các vấn đề liên quan đến  chế độ, chính sách, công tác CB... Khi những yêu cầu này không được thực hiện thì khó có thể quy tụ sức mạnh tập thể, phát huy năng lực sáng tạo của CB, ĐV. Đây là môi trường nảy sinh căn bệnh quan liêu, gia trưởng, độc đoán. Và đó cũng là lô-gíc tất yếu tạo ra sự đố kỵ, thiếu hợp tác trong CB chủ chốt, giữa cấp trên với cấp dưới và nhân viên dưới quyền.

Thứ tư, việc bố trí, sử dụng CB không đảm bảo tiêu chuẩn cũng dễ gây mất đoàn kết nội bộ. Nếu người đứng đầu tổ chức mà phẩm chất, năng lực yếu hơn người dưới quyền, lại mang nặng chủ nghĩa cá nhân, xa rời chuẩn mực đạo đức cách mạng thì ở những tổ chức đó có những biểu hiện CB, ĐV không phục nhau, thiếu nhất trí cả về nhận thức và hành động, thậm chí mất đoàn kết nghiêm trọng là khó tránh. Nếu trong công tác CB có hiện tượng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “thân quen, dòng họ” thì vô hình trung sẽ dung dưỡng CB kém đức, thiếu tài.

Những giải pháp căn cơ

Hậu quả của căn bệnh mất đoàn kết hết sức nguy hiểm, không chỉ làm suy yếu TCĐ, suy giảm hiệu quả lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền mà còn làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Xử lý mất đoàn kết trong TCĐ phải kiên trì, tiến hành đồng bộ và thông qua sinh hoạt đảng. Cần tập trung thực hiện những biện pháp chủ yếu sau:

Một là, TCĐ phải thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, tính đảng cho các CB, ĐV để luôn coi trọng việc củng cố, xây dựng khối ĐKNT; buông lơi vấn đề này thì hậu quả sẽ khôn lường. Bởi nếu TCĐ thiếu sự nhất trí và đồng thuận thì khó có thể thực hiện tốt vai trò là hạt nhân chính trị. Các cấp ủy đảng, CB chủ chốt không chỉ là tấm gương tập hợp, quy tụ mà phải có những biện pháp cụ thể để xây dựng khối ĐKNT của TCĐ. Ngoài việc giáo dục nâng cao nhận thức cho CB, ĐV, cấp ủy cần chỉ đạo, kiểm tra để kịp thời phát hiện nguyên nhân tiềm ẩn gây mất đoàn kết. Coi trọng xây dựng văn hóa Đảng và tạo lập môi trường nhân văn trong TCĐ - yếu tố để loại bỏ những hành vi phản văn hóa cản trở sự phát triển vững mạnh của từng TCĐ, từng CB, ĐV.

Hai là, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình gắn với phát huy dân chủ trong Đảng là một giải pháp căn bản để tăng cường ĐKNT trong Đảng. Làm tốt vấn đề này sẽ phát huy ưu điểm, sớm tìm ra khuyết điểm để giúp nhau sửa chữa, giải quyết kịp thời những ý kiến chưa thống nhất trong nội bộ, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm to sẽ rất có hại. Phê bình “phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” nhưng phải thấm đượm tính nhân văn, tình thương yêu đồng chí. Cần mở rộng dân chủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong TCĐ, vì trong quá trình thảo luận để đi đến chân lý có những ý kiến khác nhau là lẽ thường tình. Do đó, cấp ủy cần bình tĩnh, nắm vững nguyên tắc tập trung dân chủ để giải quyết vấn đề theo tính chất, biên độ công tác đảng; không vội vàng quy chụp, nâng quan điểm dễ gây ra trạng thái tâm lý căng thẳng không cần thiết. Dân chủ là năng lượng sống của Đảng. Đây cũng là quy luật trưởng thành, phát triển của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định, xác định quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Có lượng hóa, cụ thể hóa mới có cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là giải pháp để khắc phục thái độ bàng quan, vô trách nhiệm “cha chung không ai khóc”, nếu có khuyết điểm đều thường đổ lỗi cho tập thể. Vì vậy, Đại hội X khẳng định “Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, quy định về quản lý kinh tế, tài chính, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp... Bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính... và doanh nghiệp nhà nước”.

Bốn là, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa cơ hội. Bè phái, phe nhóm là cơ sở tồn tại của chủ nghĩa cơ hội trong Đảng. Đây là thứ giặc trong lòng “không mang gươm, mang súng”, luôn là lực cản gây mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không muốn ai hơn mình... Khi trở thành đảng cầm quyền, những phần tử cơ hội tìm cách luồn lọt để đặc quyền, đặc lợi “có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, CB phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Chống chủ nghĩa cá nhân không chỉ góp phần củng cố khối đoàn kết mà còn làm tốt công tác bảo vệ Đảng trong điều kiện hiện nay.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của TCĐ cấp trên, nhất là chủ động phát hiện sớm những biểu hiện mất đoàn kết để giáo dục, ngăn chặn kịp thời; không để vụ việc còn manh nha trở thành mất đoàn kết nghiêm trọng. Đặc biệt phải coi trọng phát hiện sớm những mâu thuẫn “quay lưng” với nhau ở các chức danh chủ chốt, bởi ở các chức danh này nếu có rạn nứt, mất đoàn kết thì tác hại rất lớn. Vì họ là tấm gương, bộ mặt của cơ quan, đơn vị. “Đối với những cấp ủy, TCĐ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, CB lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm, kiện toàn tổ chức, CB”; đồng thời “Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu TCĐ, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác căn dặn toàn Đảng: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự ĐKNT của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đó là một trong những nhân tố để Đảng ta luôn là đạo đức, văn minh, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. 

Bùi Bia

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN