Trong nhiều năm qua, trên địa bàn các huyện: Thạnh Phú, Bình Đại, Chợ Lách... đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp cổ vật trong hệ thống đình, chùa, cũng như trong nhân dân. (Theo Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, chỉ riêng tỉnh Bến Tre, trong năm 2007, đã xảy ra 35 vụ mất trộm 10 tượng Phật, 62 chân đèn, 20 chuông đồng, 10 bộ lư đồng ). Cho đến nay con số này chưa dừng lại nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Theo sách “Lịch sử những ngôi chùa Phật huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre”: Vào năm 1937, tại ấp 3, xã Phú An Hòa (xưa gọi là ấp Phước Hòa) có ông Nguyễn Văn Luận, thường gọi là Hai Luận, chuyên nghề chài lưới để nuôi sống gia đình. Một hôm, cũng như thường ngày, ông Hai Luận bơi xuồng xuôi theo dòng nước con sông Ba Lai đến vịnh Cái Nhum, thuộc xã An Phước (gần ngã tư An Hóa) để chài cá như mọi khi. Ông Hai quăng chài xuống sông để bắt cá, thì miệng chài mắc phải một vật gì ghì nặng lại. Cho rằng bị vướng chà cây, ông Hai kéo chóp chài đứng thẳng và ngồi trên xuồng từ từ tháo gỡ. Ông Hai quăng chài tiếp theo lần hai, cũng mắc phải như trước, đến lượt thứ ba, ông Hai bèn lội xuống sông tháo gỡ. Sông Ba Lai ngày xưa tiếng tăm có rất nhiều cá sấu, nhưng lúc đó dường như có một sức mạnh vô hình nào thôi thúc ông Hai quên đi những nguy hiểm có thể xảy ra cho tính mạng mình. Ông đưa tay lần mò tới miệng chài, đụng nhằm một vật cứng, có cảm giác và đoán biết là một pho tượng. Ông cố hết sức đưa từ từ các pho tượng lên khỏi mặt nước và cho lên xuồng.
Sau khi rửa sạch bùn đất mới nhận rõ là pho tượng Phật Di Đà, một pho tượng Quan Thế Âm với tư thế tọa thiền và bốn pho tượng nhỏ hơn, tất cả là sáu pho tượng Phật bằng đồng.
Được sáu pho tượng đồng, ông Hai không nghĩ tới việc chài cá nữa mà bơi xuồng đi thẳng về nhà. Nhà ông lúc bấy giờ gần đình Phước Hòa, dân làng nghe tin ông Hai chài cá được Phật nên đổ xô đến xem rất đông. Sau đó ông Cả Thiết thỉnh đem về nhà việc (tức công sở) cho bà con dân chúng cùng phật tử đến chiêm bái.
Bà Năm Nguyễn Thị Viễn, gia đình giàu có nhất làng, có hai người con trai là ông Cả Triêm và ông Cả Trưu, thương lượng với ông Hai Luận xin được thỉnh sáu pho tượng Phật về để lập chùa thờ cúng. Vì lòng mộ đạo và kính Phật, bà Năm Viễn hứa thế lại hai mẫu đất vườn cây ăn trái cho vợ chồng ông Hai Luận hưởng suốt đời, nhưng ông Hai Luận không đồng ý và đòi đổi bằng tiền mặt là 200.000 đồng. Hai bên thỏa thuận xong, bà Năm Viễn thỉnh sáu pho tượng Phật đồng về an vị tại Miếu Thần hoàng.
Sau đó, bà Năm đến chùa Hội Tôn thỉnh ý hòa thượng Thích Tâm Thông (thế danh Nguyễn Văn Thâu, sinh năm 1880) về việc cất chùa. Hòa thượng cho đây là việc hy hữu, một duyên lành đưa đến nên đồng ý đứng ra khởi công xây dựng chùa để thờ sáu pho tượng Phật bằng đồng và đặt tên hiệu là Linh Phước tự. Nhưng đáng tiếc là sáu pho tượng cổ nói trên đã bị kẻ trộm đánh cắp trong ba lần. Trong đó, tượng Quan Thế Âm mất năm 1992, tượng Phật Di Đà mất ngày 28-5 âm lịch năm 2009. Càng tiếc hơn vì chúng ta không có biện pháp gì sau lần bị mất thứ nhất để ít nhất cũng còn lại hai pho tượng qúy cho đời. Gần đây nhất, vào ngày 14-4-2012, bộ trường kỷ quý hiếm từng được trả giá 1,2 tỷ đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Thưa, ngụ tại ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình (Chợ Lách) cũng đã bị trộm.
Hiện nay, nạn trộm cắp cổ vật xảy ra trên phạm vi cả nước và có chiều hướng tăng, tuy có những băng nhóm chuyên trộm cắp cổ vật liên tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh ta đã bị triệt phá nhưng vấn nạn này chưa hẳn đã hết. Thiết nghĩ, cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao phó nhiệm vụ quản lý di sản văn hóa cần rà soát, thống kê và đề xuất biện pháp giữ gìn những cổ vật còn nằm rải rác trong nhân dân và những cơ sở thờ tự mà phần nhiều không thể và không đủ điều kiện bảo vệ cổ vật một cách bài bản. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng với các cơ sở thờ tự và người dân, đề ra những biện pháp thiết thực chống nạn trộm cắp cổ vật, mới có thể làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh nhà.