|
Võ Thị Kim Thu (trái). |
Không cùng tuổi tác, nơi ở, nhưng họ có chung nghiệp giáo, giàu nghị lực và lòng quyết tâm. Chia sẻ tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ Người tốt việc tốt do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức quý I-2010, họ đã làm cho nhiều người rơi nước mắt bởi vì những việc làm thường ngày.
Vì muốn được làm cô giáo
Võ Thị Kim Thu (1990) ấp Thạnh Quý, Bảo Thạnh (Ba Tri), con của anh Võ Văn Bưu (1958) và chị Nguyễn Thị Xù (1961). Năm 2001, cha của em bị bệnh ung thư thận. Từ đó, gánh nặng gia đình đổ trên vai người mẹ. Chị Xù nuôi bốn đứa con thơ với công việc hàng ngày là gánh muối mướn. Gia đình thuộc diện nghèo của xã, có khoảng đất rừng nhỏ, không vốn làm ăn, mẹ Thu đã phải nuôi cá rô phi tự nhiên để làm thức ăn cho cả nhà. Nhận thức được hoàn cảnh, chị em Thu luôn cố gắng học.
Năm 2009, em thi đậu vào Trường ĐH Cần Thơ. Cầm tờ giấy báo đậu ĐH, cả nhà chỉ ôm nhau khóc. Nhưng chỉ có học mới thoát nghèo, Thu quyết tâm, khăn gói lên đường, không đêm nào em quên câu nói của mẹ: “Con đi học chắc mẹ gởi cỏ lên cho con ăn quá, chớ tiền đâu mà gởi”. Những giọt nước mắt của mẹ, những cái ôm từ giã cùng lời dặn dò… Tất cả, Thu luôn khắc sâu, để cố gắng và cố gắng. Học được 1 tháng, em vui mừng nhận tin mình được học bổng “Thắp sáng ước mơ” của Tỉnh Đoàn Bến Tre. Trên đường về nhận, Thu bị tai nạn giao thông và em đã bị đứt dây chằng gối phải, tưởng chừng không thể đi được. Sau khi bình phục, Thu đã gác lại việc học, bảo lưu kết quả một năm, Thu đến khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) làm kiếm tiền phụ mẹ. Thu nói: Em làm đến tháng 8-2010 sẽ đi học lại, em quyết tâm thực hiện ước mơ làm cô giáo. Em là chị cả trong gia đình, phải làm gương cho các em noi theo. Cha mẹ em không biết chữ, mọi hy vọng đều đặt vào em. Thu tâm niệm: “Có ý chí thì sẽ thành công”.
Thầy Ngọc Anh (trái) và cô Liên (phải).
Vì học trò thân yêu
Thầy Trần Ngọc Anh (sinh năm 1925), ở ấp 5, xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) lấy chứng chỉ B và C Anh văn ở tuổi 74 vì muốn dạy học, vì nhớ các em học sinh. Em Huyền Mi, học sinh lớp 9, Trường THCS Ba Vát (năm 2009) đã viết về thầy: “Có lẽ điều may mắn nhất trong đời con là gặp được thầy - một người cống hiến hết sức mình cho đời, cho sự nghiệp giáo dục của đất nước - một người trong tâm tư con thường gọi thầy là ông giáo không bao giờ nghỉ hưu. Không nói ra chắc chẳng ai tin đâu, thầy nhỉ! Ở tuổi 72-73, với chiếc xe cọc cạch, thầy lặn lội từ nhà qua Thị xã (nay là TP Bến Tre) mỗi ngày để làm học viên của một lớp ngoại ngữ suốt mấy năm liền lấy chứng chỉ C Anh ngữ, rồi tiếp tục về dạy cho lũ trẻ quê mình. Giờ đây, cái tuổi 84 làm cho tóc thầy toàn một màu sương, làn da đã hiện lên những nốt đồi mồi to, đậm và khóe mắt đã in đầy dấu tích của thời gian, nhưng trên con đường quê quen thuộc vẫn có bóng của một ông giáo già với nụ cười thật tươi, thật hiền hậu, đều đặn hai buổi sáng, chiều đến với lớp dạy thêm. Thầy ơi, chính thầy đã cho con biết thế nào là cái tâm trong nghề, cho con thấy được ngọn lửa yêu nghề cháy rực trong tim hiền từ của thầy, sự ham học không bao giờ thừa đối với một con người”...
Vì người nghèo
Cô Nguyễn Thị Liên (1945), quê ở tỉnh Thái Bình, năm 1976 dạy tại Trường Tiểu học Vũ Nghĩa (Thái Bình) được 9 năm, sau đó cùng chồng vào Bến Tre sinh sống. Cô Liên từng làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phú (nay là Trường Tiểu học Phú Thọ), về hưu năm 2001, cô có 35 năm công tác trong ngành giáo dục. Về hưu, cô vẫn muốn cống hiến sức mình, cô tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Năm 2006, cô làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 4, luôn hoàn thành nhiệm vụ mặc dù tuổi đã cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình chăm sóc chồng bệnh, con bị tâm thần. Hàng ngày, cô đã góp nhặt vải vụn để may thành chiếc mền hoa văn tặng cho người nghèo. Cô bùi ngùi nói: Xuất thân trong gia đình nghèo, mẹ mất sớm, tôi thấu hiểu được những hoàn cảnh của người nghèo. Tuổi tôi cũng cao, tôi chẳng thể làm được việc gì lớn lao, tôi chỉ may mền tặng người nghèo, họ ấm áp cũng như bản thân tôi được ấm.
Để hoàn thành một cái mền, từ trưa đến 22 giờ đêm, cô phải cắt từng miếng vải nhỏ theo hình lục giác, sắp xếp theo màu, rồi ráp lại 7 miếng thành hoa mai 6 cánh, 18 miếng thành một hình thoi nhỏ, 24 miếng thành hình thoi lớn, tổng cộng gần 50 miếng tạo thành một phần nhỏ của cái mền. Cứ thế, 2.000 miếng vải hình lục giác, hình tam giác thành một cái mền. Cô đã may được 25 cái trong vòng 2 năm, tặng cho người nghèo. Từng mũi chỉ, đường kim của cô chỉ vì người nghèo. Cô là một trong 13 gương điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2009” của thành phố Bến Tre.