Còn chưa an toàn

05/09/2012 - 07:45
Nhiều hộ nuôi còn lo sợ về dịch heo tai xanh xảy ra ở xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam) trước đây. Ảnh: H.Hiệp

Theo Chi cục Thú y tỉnh, đợt kiểm tra để xét nghiệm dịch heo tai xanh, dịch tả, lở mồm long móng (đợt I) năm 2012 có tổng số là 135 mẫu. Trong đó, mẫu máu heo là 90, mẫu máu bò là 40.

Theo qui định của Cục Thú y, mức bảo hộ trên toàn đàn phải đạt tỷ lệ từ 80% trở lên. Đối với vắc-xin tai xanh, tỷ lệ bảo hộ trên mẫu chiếm tỷ lệ 87%, đạt yêu cầu. Đối với vắc-xin lở mồm long móng heo, bảo hộ trên mẫu chiếm tỷ lệ 78%, gần đạt yêu cầu. Đối với vắc-xin lở mồm long móng bò, dê, bảo hộ trên mẫu bò chiếm tỷ lệ 93%, gần đạt yêu cầu. Bảo hộ trên mẫu dê có tỷ lệ 0%, không đạt yêu cầu.

Đối với bệnh tai xanh ở huyện Mỏ Cày Bắc có mức bảo hộ bằng 0%, không đạt yêu cầu về phòng dịch. Trong khi đây là huyện có mật độ chăn nuôi heo cao nhất, nhì của tỉnh; nên dịch bệnh rất dễ tái phát thành dịch. Thành phố Bến Tre có mức bảo hộ vừa bằng mức chuẩn 80% nhưng với tổng đàn nhỏ vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các huyện còn lại mức bảo hộ đạt yêu cầu (100%). Đối với bệnh lở mồm long móng trên đàn heo của các huyện: Thạnh Phú, Ba Tri, Chợ Lách, TP. Bến Tre mức bảo hộ quá thấp (60%), đặc biệt Thạnh Phú chỉ có 20%, không đạt yêu cầu về mức bảo hộ trong công tác phòng chống dịch. Thành phố Bến Tre và các huyện phải nghiêm túc kiểm tra lại tất cả các khâu trong công tác tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng trên heo từ việc bảo quản vắc-xin, đối tượng được tiêm phòng và kỹ thuật tiêm. Bởi hiện nay, bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm có tính lây lan nhanh và mạnh, sẽ gây thiệt hại rất nặng đối với ngành chăn nuôi của tỉnh nếu đàn gia súc không có mức bảo hộ an toàn. Các huyện còn lại có mức bảo hộ đạt yêu cầu (100%). Riêng bệnh lở mồm long móng trên bò (dê) của huyện Mỏ Cày Nam mức bảo hộ quá thấp (60%), đặc biệt Chợ Lách có mức bảo hộ 0%, không đạt yêu cầu về phòng dịch. Hai huyện này phải nghiêm túc xem xét lại việc tiêm phòng vắc-xin trên bò (trâu), dê (cừu). Các huyện còn lại mức bảo hộ đạt yêu cầu, 100%; TP. Bến Tre 80%. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do thời gian lấy mẫu không bảo đảm đúng theo kế hoạch đề ra. Việc chọn các cá thể để lấy mẫu không được khách quan, chưa đảm bảo đúng yêu cầu cá thể lấy mẫu phải được tiêm phòng trước đó ít nhất 1 tháng. Kỹ thuật tiêm phòng và bảo quản vắc-xin có thể có vấn đề cần xem xét kiểm tra lại.

Để khắc phục tình trạng trên, ngành chức năng chỉ đạo các trạm Thú y huyện, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng của các nhân viên thú y xã, phường, chấn chỉnh những thiếu sót trong việc tiêm phòng cũng như việc bảo quản vắc-xin, nhất là những loại vắc-xin đắt tiền, do Nhà nước hỗ trợ, tránh  lãng phí, thất thoát. Tổ chức đoàn kiểm tra việc tiêm phòng tại các hộ chăn nuôi được chọn lấy mẫu giám sát để tìm hiểu nguyên nhân vắc-xin không bảo hộ, nhằm có biện pháp khắc phục trong những chương trình giám sát vắc-xin khác sau này. Đối với các huyện, thành phố, đặc biệt ở các huyện có nguy cơ cao, cần tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện bệnh.

Hữu Hiệp - Phan Nghĩa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN