Còn đâu lòng hiếu thảo?

29/03/2010 - 08:48

Bà là vợ của liệt sĩ, là gia đình có công, là đối tượng chính sách được Nhà nước, xã hội quan tâm, vậy mà… án phúc thẩm vẫn chưa  được thi hành. Người con trai của bà vẫn không cắt cho mẹ một cái nền nhà.

Vào năm 1954, chồng bà P đã hy sinh, để lại cho bà bốn đứa con thơ. Một mình bà gồng gánh nuôi dạy các con nên người. Những người con gái lớn lên lần lượt có chồng ở riêng, bà chung sống cùng con trai út, là ông N.V.E. Ông E cũng có vợ, có con. Những tưởng cuối cuộc đời, bà sẽ sống hạnh phúc cùng con trai, con dâu và cháu nội. Nhưng không, bà phải dọn ra sống cùng người con gái thứ hai, vì người con trai không còn hiếu thảo với mẹ như ngày nào. Người con dâu coi như không hề biết đến sự có mặt của mẹ chồng trong nhà. Vì là vợ của liệt sĩ, chính quyền địa phương đã có quyết định xây cho bà căn nhà tình nghĩa, kiên cố hơn ngôi nhà mà bà đang sinh sống. Nhưng cũng từ sự việc này mà khiến cho bà càng đau lòng hơn về người con trai mà mình mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng lớn khôn. Bà cũng không bao giờ ngờ rằng có ngày bà cùng con trai mình phải đưa nhau ra tòa để tranh chấp quyền sử dụng đất. Đối với bà, đây là việc hoàn toàn ngoài ý muốn, một việc rất đau lòng vì mẹ phải đi kiện con ruột của mình. Đã không biết bao nhiêu lần bà năn nỉ con trai cắt ra 2.000m2 đất trong tổng diện tích 8.840m2 của cha mẹ bà để lại cho bà, nhưng người con này cương quyết… thà là ra tòa, chứ không bao giờ trả lại đất cho mẹ. Đất này là của bà P, là phần hương hỏa do cha mẹ bà để lại. Bà P canh tác từ trước năm 1975. Sau năm 1975, ông E - con trai út, về chung sống với mẹ. Ông E đứng tên kê khai  8.840 m2  đất, vì ông sống chung hộ với bà. Còn bà vì lớn tuổi, đi lại khó khăn, nên ủy quyền cho con trai đứng tên phần đất. Ông E cho rằng, ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của phần đất này (vào năm 2001). Nếu mẹ ông muốn hưởng hoa lợi trên đất, thì vợ chồng ông đồng ý; sau khi mẹ qua đời, thì ông quản lý đất, chứ không đồng ý cắt đất cho mẹ ông. Tòa sơ thẩm đã tuyên: Áp dụng các điều 688, 256 - Bộ luật Dân sự; khoản 1, điều 136- Luật Đất đai; Nghị định 70/CP, chấp nhận yêu cầu của bà P, buộc ông N.V.E giao trả lại cho bà P 2.000 m2 đất vườn; đề nghị UBND huyện thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông N.V.E để điều chỉnh cấp cho bà V.T.P theo quy định của pháp luật. Ông E kháng cáo, bản án phúc thẩm y án sơ thẩm, có hiệu lực pháp luật, phải thi hành án.

Thế nhưng, bà P lại phải liên hệ với cơ quan thi hành án để được can thiệp, vì người con trai út vẫn không tự nguyện cắt đất cho mẹ xây nhà. Quy định của pháp luật đã rõ ràng như vậy, nhưng dường như vô hiệu, khi đứa con thiếu đạo đức chưa nuốt vào lòng những tình cảm thiêng liêng từ hai tiếng: mẹ - con.

NHẬT TY

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN