Còn khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp

20/03/2017 - 06:35

Việc sáp nhập trung tâm sẽ phát huy tối đa nguồn lực y tế.

Theo quyết định của UBND tỉnh, bắt đầu ngày 1-1-2017, các trung tâm y tế (TTYT) huyện chính thức đi vào hoạt động với chức năng mới vừa dự phòng vừa khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và quản lý các trạm y tế. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương vẫn còn nhiều băn khoăn trong giai đoạn chuyển tiếp.

Giải pháp mang tính hành chính

Theo ông Ngô Văn Tán - Giám đốc Sở Y tế, đề án thành lập TTYT huyện, thành phố trên cơ sở tổ chức lại, sáp nhập bệnh viện đa khoa huyện và TTYT tuyến huyện (đề án) là một giải pháp mang tính cải cách hành chính nhằm giảm các bộ phận không cần thiết, tinh gọn bộ máy cồng kềnh. Từ đó, tăng cường lực lượng chuyên môn để phục vụ hiệu quả hơn việc chăm sóc sức khỏe người dân trong tỉnh. Đồng thời tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trong khi triển khai công việc.

Toàn tỉnh có 5 huyện: Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Chợ Lách triển khai sáp nhập TTYT tuyến huyện. Đối với các huyện, thành phố không có bệnh viện tuyến huyện, thành phố như: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri và TP. Bến Tre, tổ chức mô hình TTYT trên cơ sở bổ sung thêm chức năng phù hợp với Thông tư số 37/2016/TT-BYT về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức TTYT huyện.

Theo đề án, cơ cấu tổ chức bộ máy của TTYT huyện có 1 giám đốc và không quá 3 phó giám đốc, 4 khoa chức năng và 15 khoa chuyên môn về điều trị và dự phòng. Các đơn vị y tế trực thuộc TTYT là các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường. Với việc sắp xếp lại bộ máy TTYT huyện, ban lãnh đạo tại các đơn vị dư ra 12 người và sẽ bố trí đến các khoa hỗ trợ chuyên môn.

Tại buổi lễ công bố thành lập TTYT huyện Châu Thành, ông Ngô Văn Tán cho biết, việc sáp nhập sẽ giảm số lượng bác sĩ làm công tác hành chính và linh động trong điều tiết cán bộ y tế để giải quyết quá tải, phát huy tối đa nguồn lực y tế. Đồng thời giảm đi sự phiền hà không đáng có, góp phần phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế tuyến huyện.

 Chưa tạo bước chuyển rõ nét

Sau gần 2 tháng công bố quyết định thành lập TTYT huyện trên cơ sở tổ chức lại, sáp nhập bệnh viện đa khoa huyện và TTYT huyện thì các địa phương chưa chuyển bộ rõ nét, một số nơi vẫn giữ hoạt động mô hình cũ.

Cụ thể, TTYT huyện Giồng Trôm, ngoài việc thay đổi giám đốc thì chưa có gì thay đổi, các bộ phận chuyên môn vẫn đang thực hiện nhiệm vụ như từ trước. Khi được hỏi về tình hình hoạt động của trung tâm sau khi sáp nhập, một cán bộ của TTYT huyện Giồng Trôm cho hay, theo quyết định của UBND tỉnh, thời gian chuyển tiếp kéo dài đến hết ngày 31-3-2017. Do đó, cuối tháng 3-2017, trung tâm có con dấu, mới có thông báo chính thức đến cơ quan truyền thông.

Riêng ở TTYT huyện Bình Đại, bắt đầu chuyển tiếp để giải quyết các vấn đề tồn tại về tài chính, tài sản, nhân sự từ 1 tháng trở lại đây. Ông Trần Văn Ron - Trưởng Phòng Tổ chức hành chính cho biết: “Việc sáp nhập TTYT huyện 2 chức năng là mô hình có từ 10 năm trước. Sau đó tách và đến nay nhập lại. Trên cơ sở của hoạt động nhiều năm trước, các khoa phòng chuyên môn kỹ thuật vẫn phối hợp giữa điều trị và dự phòng. Các hoạt động chuyên môn cũng thuận lợi. Tuy nhiên, trung tâm gặp khó khăn trong việc tinh giản biên chế theo chỉ tiêu của sở”.

Được biết, chỉ tiêu biên chế năm 2017 của TTYT huyện Bình Đại là 280, giảm 10 so với năm trước. “Trong điều kiện sáp nhập, giai đoạn đầu còn lúng túng, con người lồng ghép nên gặp nhiều trở ngại trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bệnh nhân ngày càng tăng sẽ là nguy cơ quá tải công việc đối với bộ phận chuyên môn và cả người quản lý” - ông Trần Văn Ron cho hay.

Tiếp tục sắp xếp cho phù hợp

Cùng chung mối băn khoăn, bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Giám đốc TTYT huyện Châu Thành cho biết: “Việc sáp nhập đúng là sẽ tinh gọn được bộ máy y tế tuyến huyện nhưng chỉ tiêu biên chế sẽ chưa thực hiện ngay được. Trung tâm thực hiện 2 chức năng đồng nghĩa công việc tăng lên trong khi biên chế như cũ. Điều đó sẽ ảnh hưởng công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Áp lực và công việc quá tải gây phiền hà trong khám chữa bệnh là không thể tránh khỏi”.

TTYT huyện Châu Thành có trên 80 lao động đang hợp đồng. Hiện tại, trung tâm vẫn đang sắp xếp lại vị trí việc làm cho phù hợp để tất cả cán bộ an tâm công tác. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thành, việc phối hợp thực hiện 2 chức năng chưa chặt chẽ, một bộ phận chưa hiểu được hết chức năng của trung tâm, chưa thấy hết công việc của mình, việc quản lý vất vả hơn.

Trao đổi với Sở Y tế, ông Phan Văn Tăng - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Sở Y tế thông tin, việc sáp nhập tại cơ sở nhìn chung chưa có xáo trộn. Cơ cấu bộ máy thực hiện theo đúng quy trình. Theo Quyết định số 184/QĐ-UBND tỉnh về việc giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Bến Tre 2017, chỉ tiêu biên chế của ngành giảm 102 chỉ tiêu. Đơn vị cũng đã kiến nghị xem xét biên chế trong điều kiện còn thiếu nguồn nhân lực. Sở Nội vụ cũng đã báo cáo về Bộ Nội vụ và được đồng ý bổ sung lại 101 biên chế lao động trong năm 2017. 

Ông Phan Văn Tăng cũng giải thích việc biên chế giảm tại các trung tâm: “Do năm 2017 là năm đầu tiên ngành y tế không quản lý theo ngành dọc như trước đây. Toàn bộ kinh phí của huyện sẽ do Phòng Tài chính quản lý và phải có chỉ tiêu biên chế thì kho bạc mới chuyển lương. Do đó, từ đầu năm, Phòng Tổ chức cán bộ phải thông báo biên chế cho trung tâm các huyện theo Quyết định số 184 của UBND tỉnh nên có giảm. Dự kiến, tháng 5 đến tháng 6, sau khi HĐND tỉnh thông qua sẽ có quyết định bổ sung lại biên chế lao động cho các trung tâm để đảm bảo công tác tại đơn vị”.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN