|
Triều cường thu hẹp dần diện tích đất cồn Phú Đa. |
Nếu địa hình Bến Tre tựa như cái quạt thì huyện Chợ Lách thuộc phần cán của quạt, diện tích đất khá hẹp so với dân số. Bù lại, nơi đây nước ngọt gần như suốt năm, phù sa bồi đắp, tạo sự màu mỡ thích hợp với nhiều chủng loại cây trồng. Cái bất lợi là đất trũng thấp, thường xuyên bị triều cường chế ngự.
Địa phương có nhiều cố gắng đầu tư kinh phí, cùng với sự hỗ trợ các ngành tỉnh để làm đê bao phục vụ cho việc trồng trọt và sản xuất của nhân dân. Nhưng những năm gần đây, tình trạng sạt lở, đặc biệt là ở các cồn trở nên nghiêm trọng.
Địa điểm đầu tiên tôi đến là cồn Phú Đa, đi một đoạn lại bắt gặp dấu vết sạt lở chỉ mới cách đây vài ngày. Ông Lê Phước Toàn-Phó Chủ tịch UBND huyện xót xa: Năm nào huyện và nhân dân cũng tập trung gia cố các đoạn đê xung yếu. Nhưng chỉ một đêm triều cường kết hợp mưa, gió thì những vết nứt lại xuất hiện và nguy cơ sạt lở rất dễ xảy ra. Khi đó, đất cứ tuột dần xuống dòng sông, cuốn theo nhà cửa, cây trồng đang phát triển tươi tốt. Cứ một vài năm phải tiến hành lăn đê và diện tích đất của cồn thu hẹp dần. Nước từ phía thượng nguồn dồn dập đổ thẳng vào cồn, người dân cho đất vào bao đặt ở đỉnh đầu của cồn nhưng không hiệu quả. Hàng chục hộ dân sống ở đây đã bị “bà thủy” đuổi rời cồn. Một vài “đại gia” đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nuôi một, hai vụ cá cũng phải bỏ chạy vì không đủ sức chống chọi với “bà thủy”.
Các cồn: Kiến, Bùn, Lác cũng sạt lở không kém so với cồn Phú Đa. Chỉ tay vào một căn nhà tường nằm sát sông, anh Toàn nói: Cách đây 3 tháng ngôi nhà còn nằm sâu phía trong, mọi sinh hoạt của gia đình họ vẫn diễn ra bình thường. Bây giờ, ngôi nhà nằm một mình chơ vơ để chờ “bà thủy” cuốn đi. Cả nhà đã bỏ chạy vào đất liền, cuộc sống không biết ra sao. Một chị nhà ở đầu cồn hàng ngày đưa đò cũng tỏ ra bức xúc: Sống giữa bốn bề sông nước, người dân nơi đây chịu nhiều thiệt thòi như không điện, không trường, không trạm y tế, giao thông cách trở. Trước đây trên cồn có vài chục hộ sinh sống nhưng bây giờ chỉ còn hơn 10 hộ. Nhà chị đã được “bà thủy” liệt vào danh sách, chỉ còn thời gian là bao nhiêu ngày. Nói đến đây, chị đưa mắt về phía trước: Hơn chục chiếc xà-lan đang chờ “ăn” đất, từng chiếc cần cẩu vươn cao, rồi hụp sâu xuống lòng sông cạp những ngụm cát thật to, nhô lên đổ cát vào xà-lan. Cứ thế, hoạt động diễn ra nhộn nhịp bao nhiêu thì dòng chảy được khai thông đạp thẳng vào cồn mạnh bấy nhiêu và sạt lở diễn ra là điều tất yếu. Anh Bùi Thanh Liêm-Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho rằng, chỉ tính riêng các cồn thuộc 4 xã: Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa và Tân Thiềng thì từ năm 2005-2008 diện tích đất bị sạt lở là 5,8 ha, với số hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng là 59 hộ, trong đó có 27 hộ thuộc diện nghèo. Trước thực trạng như hiện nay, từ năm 2008-2011 ước có thêm 5,5 ha đất tiếp tục bị sạt lở, với 66 hộ dân, trong đó có 33 hộ nghèo. Ở cồn Kiến, cồn Bùn và cồn Lác, dân đã chạy vào đất liền gần hết, nhường chỗ lại cho các hộ nuôi cá nhưng cũng năm ăn năm thua trước sự uy hiếp của dòng chảy.
Ông Lê Phước Toàn cho biết thêm, các cồn nếu đầu tư làm bờ kè cũng không ổn, do nước chảy xiết và đạp thẳng vào cồn. Gần đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến huyện và khi nghe báo cáo tình hình sạt lở đã có gợi ý lập dự án bố trí dân cư vùng sạt lở, phần kinh phí được hỗ trợ từ chương trình bố trí lại dân cư vùng đặc biệt khó khăn. Huyện đang xin chủ trương tỉnh cho lập dự án. Dự kiến hình thành khu tái định cư ở các xã: Hòa Nghĩa, Tân Thiềng và Vĩnh Bình, mỗi nơi có diện tích 5 ha. Các hộ dân ở vùng bị sạt lở và những nơi có nguy cơ sạt lở, các hộ dân sẽ được di dời vào đây. Mỗi hộ được cấp 1 công đất để làm nhà ở và sản xuất cây giống, hoa kiểng, giúp họ ổn định cuộc sống.