|
Công ty may Việt Hồng (phường 8 - TP. Bến Tre) giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Ảnh: T.Long |
Ngày 17-7-2012, Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các ngành tỉnh và các địa phương để công bố Quyết định số 1196 ngày 19-6-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Qui hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 14 cụm công nghiệp, gồm: Bình Thới (Bình Đại), Thị trấn - An Đức, An Hòa Tây (Ba Tri), Phong Nẫm 1, Phong Nẫm 2, Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm), An Nhơn, thị trấn Thạnh Phú (Thạnh Phú), Ấp Sơn Qui (thị trấn Chợ Lách), An Thạnh (Mỏ Cày Nam), Khánh Thạnh Tân, Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc), An Hóa (Châu Thành) và Phú Hưng (TP. Bến Tre).
Đề án được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2011-2015 huy động mọi thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng phát triển cụm công nghiệp, mở rộng một số cụm công nghiệp có điều kiện phát triển thuận lợi thành lập mới, đưa tổng diện tích đất đến năm 2015 lên khoảng 335-350ha. Thu hút đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vào cụm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ lắp đầy bình quân đạt trên 50% diện tích đất công nghiệp cho thuê, thu hút thêm 1.300-1.500 tỷ đồng vốn đầu tư, tạo việc làm cho 15.000-18.000 lao động.
Giai đoạn II, từ năm 2016-2020, mở rộng thành lập mới một số cụm công nghiệp, với diện tích tăng thêm khoảng 230-250ha, đưa tổng diện tích đến năm 2020 khoảng 580-600ha. Đưa tỷ lệ lắp đầy đạt từ 60-70%, thu hút khoảng 2.200-2.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20.000-25.000 lao động. Tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 2.133 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật 1.599 tỷ đồng, vốn đền bù, tái định cư 533 tỷ đồng; ngân sách Nhà nước hỗ trợ 7%, còn lại huy động từ các nhà đầu tư và nguồn vốn khác.