Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa kết thúc thành công chuyến đi tham dự hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc kiểm điểm việc thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và dự phiên họp lần thứ 65 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Thêm một lần nữa, cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, khẳng định quyết tâm và tin tưởng vào việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, tạo nền tảng để nhân loại tiếp tục xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
New York vốn nổi tiếng là thành phố đông đúc bậc nhất Hoa Kỳ những ngày qua thêm nhộn nhịp chào đón đoàn đại biểu của 192 thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có 140 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, lãnh đạo của một loạt tổ chức quốc tế và phi chính phủ lớn đến tham dự hội nghị cấp cao kiểm điểm 10 năm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Từng dự hội nghị tương tự 5 năm trước đây, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm nhận không khí của hội nghị lần này không còn bi quan nữa mà tràn đầy lạc quan vào việc hoàn thành thắng lợi Tuyên bố Thiên niên kỷ.
Phát biểu tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, lãnh đạo các nước đều phấn khởi về một loạt thành tựu đạt được trong thực hiện 8 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, nổi bật là trong xoá đói giảm nghèo, tăng tỷ lệ trẻ em đến tuổi được đến trường, mở rộng số người tiếp cận nước sạch, kiểm soát dịch bệnh. Các thành tựu này đạt được ngay tại một số nước nghèo nhất cho thấy, các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ hoàn toàn khả thi. Trên thế giới đã xuất hiện một loạt điển hình trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Nổi bật là Việt Nam đã đạt mục tiêu “giảm 1/2 tỷ lệ nghèo”, tức là từ 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 14,5% vào năm 2008. Ghana đạt thành tích giảm gần 3/4 số người nghèo, từ mức 34% dân số xuống còn 9%. 10 nước châu Phi khác cũng đã giảm được một nửa số người nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, tiến bộ không đồng đều và nếu không nỗ lực thêm thì một số mục tiêu khó có thể đạt được tại nhiều nước.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Chúng ta có nhiều câu chuyện phát triển thành công hơn trước. Những tác động tích cực của việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là không thể phủ nhận và đây là thành tựu mà chúng ta có thể tự hào. Tuy nhiên, chúng ta phải bảo vệ những tiến bộ đã đạt được bởi nhiều thành tựu rất mong manh. Mặc dù còn gặp nhiều trở ngại và hạn thời gian năm 2015 không còn nhiều nhưng những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ hoàn toàn có thể đạt được”.
Mang đến hội nghị không chỉ thành tích, các nước còn thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, mạnh dạn nêu lên những vướng mắc, cản trở trên con đường thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Cái khó hiện nay không chỉ là ít thời gian mà chủ yếu do không thực hiện đầy đủ cam kết, thiếu nguồn lực, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, thiên tai, xung đột vũ trang... Có báo cáo nêu ra rằng chỉ riêng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 đã đẩy 60 triệu người trên thế giới rơi lại vào cảnh nghèo đói. Nhiều nước châu Phi lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây hành động nhiều hơn và cho rằng các Mục tiêu thiên niên kỷ không thể nào đạt được nếu chỉ có hội nghị và hội nghị để đàm phán về những cam kết, mà đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thực hiện ngay những thỏa thuận đã đạt được.
Tổng thống Namibia Hifikepunye Pohamba nêu rõ: “Namibia đang phải đối mặt với tình trạng bị cắt giảm nguồn hỗ trợ phát triển quốc tế vì được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Theo Tuyên bố Windhoek về hợp tác phát triển với các nước có thu nhập trung bình, tôi đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế tạo cơ chế đặc biệt để những nước này, trong đó có Namibia tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính cho phát triển với điều kiện ưu đãi”.
Có một tiến bộ đạt được tại hội nghị mà như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đánh giá sẽ giúp tạo dựng nền tảng vững chắc cho tiến trình đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào thời hạn chót năm 2015. Đó là các nước tiếp tục giữ vững những cam kết trước đó bất chấp môi trường quốc tế khó khăn hiện nay. Chính phủ, các tổ chức từ thiện và các nhóm tư nhân đã cam kết chi 40 tỷ USD để thực hiện các sáng kiến về cải thiện sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em. Các nước EU đã cam kết đóng góp vào quỹ xóa đói nghèo Liên Hợp Quốc 1 tỷ eurro, trong đó Pháp cam kết tăng đóng góp vào quỹ chữa trị bệnh AIDS và sốt rét từ 60 triệu lên 360 triệu euro.
Sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại hội nghị quan trọng này thể hiện Việt Nam luôn là thành viên tích cực và chủ động tham gia giải quyết các thách thức lớn của thời đại đối với nhân loại. Trước toàn thể đại diện 192 thành viên Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước thông báo Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và có thể hoàn thành mục tiêu còn lại vào năm 2015. Một trong những kinh nghiệm mà Việt Nam chia sẻ với cộng đồng quốc tế và được đánh giá cao là cụ thể hóa một cách hiệu quả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ khi lồng ghép vào chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ở các cấp, phát huy sự tham gia của người dân.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao Việt Nam là một trong những nước đạt và vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Vì vậy, phát biểu của Chủ tịch nước được các nước rất chú ý lắng nghe, đặc biệt là các nước châu Phi. Chủ tịch nước đã nêu ra những kinh nghiệm và kiến nghị cụ thể, trong đó rất quan trọng là duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh các quốc gia phải đưa ra chương trình hành động cụ thể để đến năm 2015 thực hiện các mục tiêu đó.
Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước châu Phi, các nước đánh giá cao thành quả của Việt Nam, đặc biệt mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, góp phần xoá đói giảm nghèo”.
Với thành quả đạt được sau 2/3 chặng đường cùng những cam kết đạt được tại hội nghị lần này và những điển hình đã có, trong đó Việt Nam là điểm sáng, ước mơ về một thế giới không còn đói nghèo, bệnh tật, không còn thất học, phụ nữ được bình đẳng sẽ không còn xa vời. Chỉ còn 5 năm nữa thôi thế giới sẽ chứng kiến kỳ tích lịch sử này, nhưng để ước mơ cháy bỏng từ bao đời nay thành hiện thực, vẫn cần trách nhiệm thực hiện cam kết của các quốc gia và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân loại./.