Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại Sao Paolo, Brazil ngày 26-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua (tính tới 6 giờ sáng 3-7-2020 - giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 195.540 ca mắc COVID-19 và 4.930 ca tử vong.
Đa số ca mắc mới được ghi nhận tại Mỹ (50.492 ca), Brazil (43.489 ca) và Ấn Độ (21.948 ca). Đây là ba nước có số ca mắc thuộc hàng cao nhất thế giới.
Về số ca tử vong, Brazil đứng đầu thế giới với 1.171 ca tử vong trong 24 giờ qua, tiếp đó là Mexico với 741 ca, Mỹ với 615 ca và Ấn Độ với 377 ca. Xét về tổng số người chết vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới.
Thế giới có trên 6,1 triệu người khỏi bệnh, nhưng vẫn còn trên 58.000 người trong tình trạng nguy kịch.
Có thể thấy rõ đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh trên toàn cầu với số ca nhiễm hằng ngày liên tục ở mức trên 160.000 trong một tuần qua. Đáng lưu ý là số ca nhiễm trong một tháng qua chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị trực tuyến ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 22-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra những con số thống kê trên trong bài phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ cảnh báo về tình trạng lây lan mạnh của dịch COVID-19 hiện nay.
Số liệu thống kê của WHO cho thấy ngày 28-6 vừa qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát, với trên 189.500 ca. Trước ngày 25-6-2020, thế giới chỉ có hai lần ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày vượt 160.000 ca, và cho đến ngày 18-5-2020, số ca nhiễm hằng ngày chưa vượt qua con số 100.000.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để kiềm chế dịch bệnh là thực hiện xử lý toàn diện, theo đó phát hiện, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc từng ca bệnh; truy vết và cách ly tất cả những người có tiếp xúc người nghi ngờ nhiễm; trang bị phương tiện và đào tạo lực lượng nhân viên y tế; giáo dục, khuyến nghị người dân tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Theo ông Tedros, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp này để ngăn chặn sự lây lan của virus. Ông khẳng định những nước triển khai rộng rãi các biện pháp này đã khống chế được dịch bệnh và cứu sống được nhiều người.
Ông Tedros cho biết trong tuần này, trên 1.000 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia thảo luận một loạt nghiên cứu về COVID-19, bao gồm nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh và phương thức chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.
Thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có chứa hoạt chất favipiravir được thử nghiệm tại Ấn Độ ngày 12-5-2020. Ảnh: ANI/TTXVN
Liên quan tới thuốc chữa COVID-19, quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RFPI) và Tập đoàn “ChemRar” đã bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài thuốc điều trị COVID-19 với tên gọi Avifavir. Cuối tháng 5 vừa qua, thuốc Avifavir đã chứng minh tính hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký của Bộ Y tế Nga và trở thành loại thuốc đầu tiên trên thế giới chữa COVID-19 có chứa hoạt chất favipiravir.
Các bang ở Mỹ tăng cường biện pháp ứng phó dịch bệnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 30-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh Mỹ ngày 1-7-2020 ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ cao chưa từng có: trên 52.000 ca, nhiều địa phương của nước này đã tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Chính quyền bang California đã công bố một số biện pháp mới ứng phó với dịch bệnh COVID-19, theo đó cấm các hoạt động trong nhà tại các nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng và một số cơ sở khác tại 19 hạt trong vòng 3 tuần. Quy định này ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70% dân số của bang California. Bang này cũng quyết định đóng cửa tất cả các bãi biển, tương tự bang Florida.
Các biện pháp trên có thể ảnh hưởng đến các sự kiện mừng Quốc khánh Mỹ (4-7-2020). Nhiều thị trấn, thành phố trên khắp nước Mỹ cũng đã quyết định hủy các chương trình diễu hành truyền thống và bắn pháo hoa, tránh tụ tập đông người nhằm ngặn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tại thành phố New York, Thị trưởng Bill De Blasio đã quyết định tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại các nhà hàng dự kiến được thực hiện vào tuần tới. Ông khẳng định chưa đến lúc mở cửa lại dịch vụ này.
Một phố mua sắm ở New York, Mỹ ngày 24-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kế hoạch, thành phố New York bước vào giai đoạn 3 mở cửa vào ngày 29-6-2020, tuy nhiên, giới chức thành phố đã tạm hoãn do lo ngại sự gia tăng các ca nhiễm mới ở nhiều địa phương khác có thể làm phức tạp tình hình dịch bệnh tại New York.
Hiện các bang New York, New Jersey và Connecticut áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với người đến từ 16 bang chủ yếu ở phía Nam và Tây Nam nước Mỹ. Người vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt 2.000 USD cho lần đầu vi phạm và 5.000 USD cho lần vi phạm thứ 2, cùng với việc phải tự chi trả các chi phí trong thời gian cách ly.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ ngày 16-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh tại các khu vực miền Nam nước Mỹ, trong đó các điểm nóng là các bang Texas, Florida và Arizona. Trước đó, ngày 30-6-2020, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci cảnh báo số ca nhiễm trong ngày tại Mỹ có thể tăng gấp đôi lên 100.000 ca nếu nhà chức trách và người dân nước này không thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Tính đến 6 giờ sáng 3-7-2020 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 2,8 triệu ca COVID-19 và trên 131.000 ca tử vong.
Nhiều nước ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại sân bay quốc tế Hazrat Shahjalal ở Dhaka, Bangladesh ngày 16-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Bangladesh ngày 2-7-2020 cho biết đã ghi nhận 4.019 người mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 8-3-2020. Như vậy, số ca mắc tại Bangladesh đã lên tới 153.277 ca, trong đó có 1.926 ca tử vong.
Cùng ngày, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 627.168 ca, trong khi số ca tử vong cũng lên tới 18.225 ca. Trong 24 giờ qua tính tới 6 giờ sáng 3-7-2020 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận 21.948 ca nhiễm và 377 ca tử vong.
Ấn Độ đã bước vào giai đoạn nới lỏng phong tỏa thứ hai từ ngày 1-7-2020, tiếp tục áp đặt hạn chế tại các khu vực có trường hợp lây nhiễm COVID-19. Các trường học và trung tâm huấn luyện vẫn sẽ đóng cửa đến ngày 31-7-2020. Các dịch vụ đường sắt và một số địa điểm như rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, bể bơi, công viên giải trí, rạp hát, quán bar bên ngoài các khu vực có ca lây nhiễm COVID-19 được phép mở cửa. Thời gian giới nghiêm ban đêm tiếp tục được nới lỏng, từ 22 giờ đến 5 giờ.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia ngày 29-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 2-7-2020, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận thêm 1.624 ca mắc bệnh COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu tháng 3. Tính đến nay, số ca nhiễm ở Indonesia là 59.394 ca, trong đó có 2.987 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Nam Phi cũng ghi nhận 8.728 ca nhiễm - mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca lên tới 168.061 ca, trong đó có 2.844 ca tử vong. Nam Phi vẫn là nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất ở châu Phi, chiếm tới gần 50% số ca nhiễm của cả châu lục. Theo giới chuyên gia, số ca nhiễm tăng nhanh một phần do Nam Phi thực hiện nhiều hơn các xét nghiệm trong cộng đồng. Hiện mỗi ngày nước này tiến hành hơn 30.000 xét nghiệm.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 9-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại một số quốc gia, dù không ghi nhận ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong ngày nhưng con số này vẫn ở mức cao.
Ngày 2-7-2020, Nga thông báo ghi nhận 6.760 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca tại quốc gia này lên 661.165 ca. Theo Trung tâm ứng phó dịch bệnh COVID-19 Nga, số ca tử vong cũng tăng lên 9.683 ca, cao hơn 147 ca so với một ngày trước. Trong vòng 24 giờ qua, 6.047 bệnh nhân COVID-19 tại Nga đã được điều trị khỏi và hồi phục. Thủ đô Moskva, địa phương chịu tác động mạnh nhất, ghi nhận thêm 622 ca mới, nâng tổng số ca bệnh tại vùng này lên 222.871 ca.
Kyrgyzstan cũng ghi nhận 526 ca mới, nâng tổng số lên 6.261 ca. Trong số này có 7 ca nhập khẩu và các ca còn lại đều có tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19. Tổng số ca phục hồi tại quốc gia này hiện là 2.530 ca trong khi số ca tử vong là 66, tăng 4 ca trong 24 giờ qua. Hiện còn 735 người đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 110 ca nghiêm trọng và 24 ca đang được chăm sóc đặc biệt.
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 2-7-2020 đã ghi nhận trên 100 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại thành phố này lên 6.392 trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 31-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là ngày đầu tiên Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới trên 100, nhưng là ngày thứ 7 liên tiếp có trên 50 ca nhiễm mới kể từ khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại nước này ngày 25-5-2020 vừa qua.
Tại Thụy Điển, số liệu thống kê của cơ quan y tế nước này cho thấy số ca mắc COVID-19 tại Thụy Điển tăng 947 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Bắc Âu này lên 70.639.
Việc tăng cường xét nghiệm đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng trong vòng một tháng qua, vượt cao hơn hẳn so với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, số ca tử vong và nhập viện đã giảm mạnh so với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi tháng Tư năm nay.
So với các quốc gia khác, Thụy Điển đã áp dụng cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi không thực hiện biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Tổng số ca tử vong trên quy mô dân số của nước này hiện cao hơn nhiều lần so với các quốc gia láng giềng Bắc Âu - nơi có cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn, nhưng lại thấp hơn so với một số quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa như Anh, Italy và Tây Ban Nha.
Tổng số ca mắc COVID-19 ở Australia đã lên tới 8.001 ca, với 86 ca mới được xác định trong 24 giờ qua. Phó giám đốc Y tế Australia, Giáo sư Michael Kidd cho biết số người nhập viện và được chăm sóc đặc biệt trên cả nước cũng tăng. Điều này cho thấy tác động rất nghiêm trọng mà đại dịch có thể gây ra, đặc biệt là đối với sức khỏe của người già và những người có bệnh mạn tính.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sydney, Australia ngày 24-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tính đến nay, Australia đã thực hiện hơn 2,56 triệu xét nghiệm. Kể từ đêm 1-7-2020, bang Victoria đã tái áp đặt lệnh phong tỏa tại khoảng 30 khu vực dân cư có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Australia.
Cảnh sát bang Victoria đã dựng các trạm kiểm soát ở các "ổ dịch" mới, sẽ tuần tra các khu vực được phong tỏa và phạt tiền ngay tại chỗ những ai đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng.
Bỉ bắt đầu giai đoạn 4 nới lỏng hạn chế
Người dân đi bộ trên phố Bruges, Bỉ ngày 1-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Từ ngày 1-7-2020, Bỉ bắt đầu bước vào giai đoạn 4 của quá trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp đặt trước đó nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo thông báo của Thủ tướng Sophie Wilmes, sau hơn 3 tháng đóng cửa, các rạp chiếu phim đã được mở cửa trở lại từ ngày 1-7-2020. Các sự kiện văn hóa có thể diễn ra với số lượng khán giả tối đa là 200 người nếu tổ chức trong không gian kín và 400 người nếu tổ chức ngoài trời với điều kiện phải tuân thủ các quy định về y tế và an toàn dịch tễ. Trong các sự kiện hiếu, hỉ, số người tham dự tối đa là 200 người, và sẽ tăng lên 400 người từ ngày 1/8.
Trong giai đoạn 4 này, "6 nguyên tắc vàng" sẽ tiếp tục được áp dụng tại Bỉ, bao gồm nghĩa vụ tuân thủ các quy định và biện pháp y tế, ưu tiên cho các hoạt động ngoài trời, các biện pháp phòng ngừa trong trường hợp tiếp xúc với những người có nguy cơ cao mắc bệnh (những người cao tuổi) và đảm bảo quy định giữ khoảng cách an toàn.
Tốc độ lây lan bệnh COVID-19 tại Bỉ tiếp tục chậm lại. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 61.598 bệnh nhân, trong đó 9.761 ca tử vong.
Anh nới lỏng cách ly với du khách một số nơi
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt tại London, Anh ngày 15-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 2-7-2020, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ nới lỏng các biện pháp cách ly đối với các du khách đi bằng đường hàng không.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn trên nêu rõ Chính phủ Anh sẽ nới lỏng các biện pháp y tế tại biên giới với việc cho phép hành khách từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ cụ thể được miễn thực hiện các thủ tục tự cách ly. Chi tiết kế hoạch sẽ được công bố trong tuần này.
Ngoài ra, vào ngày 3-7-2020, Chính phủ Anh cũng sẽ bãi bỏ yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia mà London nhận thấy có nguy cơ dịch bệnh COVID-19 là rất thấp. Tuy nhiên, hiện giới chức trách vẫn chưa lập danh sách cụ thể các quốc gia thuộc diện này.
Cũng vào ngày 2-7-2020, Bộ Y tế Anh cho biết trong 4 tuần áp dụng hệ thống xét nghiệm và truy dấu, giới chức trách đã xác định được tổng cộng 23.028 trường hợp tiếp xúc gần các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã liên hệ được với 73% trong số này (tương đương 16.084 trường hợp).
Liên quan kế hoạch nối lại hoạt động học tập của học sinh, chính quyền xứ England cho biết tất cả các trẻ em tại đây sẽ phải trở lại trường học vào tháng 9 tới sau nhiều tuần tranh luận khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 được dỡ bỏ. Trong khi đó, chính quyền xứ Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland lên kế hoạch mở cửa lại các trường học sớm hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại sân bay
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các quán cà phê Internet và quán game trên cả nước đã được mở cửa trở lại từ ngày 1-7-2020 đi kèm hàng loạt biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế nước này trong bối cảnh chính phủ đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, các cơ sở kinh doanh trên phải thực hiện khử trùng thường xuyên, yêu cầu nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang và tuân thủ quy định giãn cách xã hội bằng cách kiểm soát lượng khách hàng, đặt tấm chắn trong suốt hoặc vách ngăn bằng kính giữa các bàn để hạn chế sự tiếp xúc. Bàn ghế, màn hình máy tính, bàn phím, chuột máy tính, máy chơi game và tất cả các thiết bị sẽ phải được làm sạch thường xuyên bằng cồn sau mỗi lượt người sử dụng. Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các địa điểm trên ít nhất 2 lần/tháng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến trình đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường theo từng phần kèm theo các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bắt đầu từ tháng sáu vừa qua. Nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thể thao bắt đầu hoạt động trở lại.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngày 1-7-2020, sân bay Istanbul lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào hoạt động trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho hành khách quốc tế. Các mẫu bệnh phẩm sẽ được xét nghiệm ngay tại các phòng thí nghiệm được xây dựng tại nhà ga sân bay Istanbul và có kết quả trong 2 giờ đồng hồ.
Từ ngày 1-6-2020, các công ty hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại một số chuyến bay trong nước. Các chuyến bay quốc tế được nối lại từ ngày 11-6-2020. Sân bay Istanbul đã phục vụ 64 triệu lượt hành khách trong năm ngoái.
TTXVN