Cụ Đồ Chiểu và người Bến Tre, Người Bến Tre và cụ Đồ Chiểu

30/06/2022 - 12:15

Đoàn viên, thanh niên huyện Ba Tri sinh hoạt truyền thống chủ đề Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Thanh Đồng

Đoàn viên, thanh niên huyện Ba Tri sinh hoạt truyền thống chủ đề Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Thanh Đồng

Tôi có một anh bạn làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian người Việt Nam Bộ, thỉnh thoảng có dịp ngồi uống cà phê với nhau, anh ấy bảo người Việt Nam Bộ là lưu dân. Lần đầu nghe, tôi chưa để tâm, nhưng lần sau thì tôi hỏi lại anh: - Tại sao anh lại dùng danh từ ấy? Nâng ly cà phê nhấp một ngụm, anh trả lời khẽ khàng mà tự tin: “Bởi người Việt là dân trôi chảy từ nơi khác đến Nam Bộ, như người Hoa, người Khơ-me, người Chăm ông ạ, quê gốc của họ đâu có phải ở xứ miệt vườn này”. Ảnh kể: Tôi nhớ hai năm 1983 - 1984 cùng đi điền dã với cán bộ của Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh ở các huyện của tỉnh Bến Tre, đã được xem 281 gia phả thành văn của một số dòng họ. Trong đó, có hơn 110 gia phả nói về xuất xứ dòng họ thì có đến 38 gia đình quê gốc ở Quảng Ngãi, 17 gia đình gốc ở Thừa Thiên, Quảng Trị và bảo đa phần số lưu dân đến ở đây vào thế kỷ XVIII, XIX thôi. Tôi chợt nhớ câu hát mới được nghe hôm rồi ở nhà một bà cụ ru cháu: “Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây thì về”. Vậy ra, cụ Đồ Chiểu cũng là lưu dân. Quả vậy chăng, bởi quê nội Cụ Đồ ở tận Thừa Thiên - Huế, quê ngoại cụ ở TP. Hồ Chí Minh hiện giờ.

Các cụ bô lão ở vùng Ba Tri kể lại rằng, khi cụ Nguyễn Đình Chiểu qua đời, ngoài những người thân và môn đệ của thầy còn có những thân chủ của những bệnh nhân được thầy cứu sống đến trước bàn thờ chịu tang coi như những người ruột rà máu mủ của mình vậy… Ngày ấy, cánh đồng An Bình Đông, nơi cụ yên nghỉ, trắng xóa khăn tang của các cháu con Cụ Đồ, của những môn đệ, của những thân chủ xa gần thọ ơn cụ, của đông đảo quần chúng mến mộ tài và đức của cụ. Cũng các cụ bô lão ở đây kể, khu đất bây giờ an táng cụ vốn là đất của một người học trò thương thầy đến đây không vườn ruộng đã biếu thầy khu đất này để khi thầy qua đời làm nơi an táng, xây mộ. Cụ Đồ không nhận, sau người học trò làm giấy tờ gửi lại cho làng xã rồi bỏ đi nơi khác sinh sống, không bao giờ trở lại. Không rõ, sau khi thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu qua đời, họ hàng đã an táng Cụ Đồ rồi đến vợ thầy tại đây thì người học trò có quay lại chứng kiến khu mộ của người thầy giáo mình không?

 Bữa ngồi uống cà phê với anh bạn, tôi bảo: Cụ Đồ là lưu dân nhưng được người dân Bến Tre kính trọng, yêu quý như người quê tại Bến Tre vậy. Anh ấy bảo: Hai mươi sáu năm gắn bó với vùng đất này, dạy bao học trò, chữa bệnh cho bao người, như một người cố cựu nơi đây, chả ai nghĩ Cụ Đồ là lưu dân, mà là người Bến Tre rồi chớ. Bởi vậy, dân Bến Tre hơn trăm năm qua coi Cụ Đồ là người Bến Tre. Anh bạn tôi bảo, hồi năm 1945, lúc mới giành chính quyền, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Bến Tre mang tên là tỉnh Đồ Chiểu. Người Bến Tre đọc cho nhau nghe sáng tác của cụ, những câu chuyện kể về cụ. Rồi nghiên cứu về thơ văn của cụ, khi xa Bến Tre thì nhớ thơ văn cụ Đồ Chiểu. Với người Bến Tre, cụ Đồ Chiểu là biểu tượng của quê hương. Người Bến Tre lúc nhỏ nghe chị, mẹ, nội, ngoại hát ru những câu thơ Lục Vân Tiên: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.

Lớn lên, chất cụ Đồ Chiểu chảy trong huyết quản, không chấp nhận ngang trái ở đời như Lục Vân Tiên bẻ cây đánh bọn cướp Phong Lai, cứu Kiều Nguyệt Nga. Khi đi xa quê hương thì nhớ về cụ Đồ Chiểu. Tôi lại nhớ nhà thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), quê quán tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc) khi tập kết ở miền Bắc nhớ: “Tuổi nhỏ về Ba Tri/ Đường đi dài cát trắng/ Trên ngôi mộ nhà thơ/ Lá dừa che bóng nắng”.

Tuổi thơ của tác giả Ca Lê Hiến có lẽ được ba mẹ cho về thăm mộ Cụ Đồ, bởi thân phụ anh là ông Ca Văn Thỉnh, quê quán tại Bến Tre. Lúc trẻ, người thanh niên Ca Văn Thỉnh học giỏi, được học bổng vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương của người Pháp tại Hà Nội từ năm 1925, rồi năm 1928 tốt nghiệp về làm thầy giáo tại Bến Tre. Năm 1943, tại khu mộ, thầy giáo Ca Văn Thỉnh khi ấy là Đốc học phụ trách các trường tiểu học của tỉnh Bến Tre đã về đây đọc diễn văn tưởng niệm Cụ Đồ.

Anh bạn tôi lại bảo: Giáo sư Ca Văn Thỉnh có nhiều bài báo khoa học rất sâu sắc về cụ Đồ Chiểu! Người Bến Tre đam mê nghiên cứu cụ Đồ Chiểu cũng là lẽ đương nhiên.

Tôi nói: Nhưng trong cuốn “Đất và người Nam Bộ”, in năm 2016 chỉ in có một bài lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu - tác giả Lục Vân Tiên, tức là bài diễn văn mà thầy giáo Ca Văn Thỉnh đọc tại mộ cụ Đồ Chiểu ngày 19-6-1943.

Anh bạn tôi lặng im một lúc rồi mới bảo tôi: “Trong cuốn Hào khí Đồng Nai in năm 2014, Giáo sư có mấy bài hay mà sâu sắc như bài Truyền thống quật cường của Nam Bộ và Việt Nam với tinh thần đấu tranh của Nguyễn Đình Chiểu do Giáo sư viết năm 1972. Rồi bài Nguyễn Đình Chiểu cuộc đời và sự nghiệp. Giáo sư rất chú ý công tác văn bản tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Năm 1943, Giáo sư đã có bài Những chỗ dị đồng trong vài bản Lục Vân Tiên. Năm 1980, cùng hai tác giả Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang nghiên cứu rồi công bố Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, gồm 2 tập do Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp ấn hành. Chính phần thứ nhất Nguyễn Đình Chiểu, thân thế và sự nghiệp của cuốn sách này, tác giả là Giáo sư Ca Văn Thỉnh.

Chúng tôi chia tay nhau trong niềm tin Giáo sư Ca Văn Thỉnh là người Bến Tre tâm huyết nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu, người Bến Tre. Nhưng còn các tác giả khác? Băn khoăn, nên tôi viết thư hỏi anh bạn, anh ấy hồi âm. Có một chuyện khác, cảm động hơn. Đó là chuyện ông Mai Thọ Truyền, người Bến Tre, từng viết hồi ký Giờ sử Việt, nhớ người thầy giáo Nguyễn Văn Vinh của mình trước năm 1945, giảng bài, lén đọc thơ của cụ Đồ Chiểu cho học sinh nghe vì trường của người Pháp bắt học lịch sử nước Pháp. Người học trò Mai Thọ Truyền khi trưởng thành, đứng đầu Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn đã chủ trương xây nhà thờ Nguyễn Đình Chiểu tại khu mộ của cụ và cụ bà Lê Thị Điền, cùng con gái Sương Nguyệt Anh. Thầy giáo Nguyễn Văn Vinh, người Bến Tre, dạy học sinh Bến Tre, từng lúc dạy cho học trò thơ văn của Cụ Đồ. Cũng chính thầy Nguyễn Văn Vinh là thầy giáo của người học trò Ca Văn Thỉnh khi đi sơ học tại Bến Tre. Cũng là giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu, cuối thế kỷ XIX, người Bến Tre là cụ Trương Vĩnh Ký năm 1889, cụ Duy Minh Thị (Trần Quang Quan) năm 1865 cũng đã cho in truyện thơ Lục Vân Tiên. 

Dòng ký ức của tôi hiện về năm 1982. Làm sao quên được, bởi năm này rất đặc biệt trong tình cảm của người Bến Tre với cụ Đồ Chiểu. Đây là năm kỷ niệm lần thứ 160 năm sinh của Cụ Đồ, nhưng là kỷ niệm trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất. Tôi vẫn nhớ năm ấy, tỉnh Bến Tre còn khó khăn về kinh tế của vùng quê sau chiến tranh mấy chục năm. Món cao lương xuất hiện trong bữa ăn của người dân vùng lúa, vùng dừa, lãnh đạo tỉnh lo ngân sách trợ cấp cho những gia đình liệt sĩ, thương binh, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, bao thứ vất vả, khó khăn. Vậy mà, tỉnh vẫn phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm cụ Đồ Chiểu: nào là in truyện thơ Lục Vân Tiên, Thơ văn yêu nước, Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời, nhất là tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về Nguyễn Đình Chiểu. Gần 200 nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước tụ hội về Bến Tre với các tham luận khoa học. Lần đầu tiên hội nghị khoa học quốc gia về Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức tại Bến Tre. Ngày 29 và 30-6-1982, tại hội trường tỉnh, Giáo sư Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, ông Nguyễn Văn Châu - Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, ông Đoàn Tứ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Kỳ Sở - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, rồi ông Nguyễn Phương Thảo, một giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, những người dân Bến Tre cùng gần 200 nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước tham gia hội thảo này. Nghĩa là cùng Giáo sư Ca Văn Thỉnh có mấy người Bến Tre nữa nghiên cứu cụ Đồ Chiểu, cuộc đời và sự nghiệp.

Thế rồi, những năm sau đó, vào năm 1992, lãnh đạo tỉnh Bến Tre tổ chức Ngày hội truyền thống Văn hóa Bến Tre vào những ngày đầu tháng 7 hàng năm. Tấm lòng của người dân, ý tưởng của lãnh đạo Đảng, của chính quyền tỉnh gặp nhau thì mới tổ chức ngày hội văn hóa của tỉnh được, mà nhân vật thiêng của lễ hội văn hóa lại là cụ Nguyễn Đình Chiểu. Không gian lễ hội chính là nhà lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu mà tỉnh Bến Tre xây dựng hồi năm 2000, một nhà lưu niệm khang trang.

Năm 1862 khi đến Bến Tre sinh sống, không rõ khi ấy cụ Đồ Chiểu có nghĩ mình sống tại đây đến cuối đời nhưng 134 năm qua, bóng Cụ Đồ lồng lộng trên đất ba dải cù lao, hiện ra như một người thân thương từ bến sông đến từng nếp nhà, trong tâm thức người Bến Tre. Người Bến Tre nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Tôi biết là tỉnh Bến Tre đang thực hiện trưng bày Nguyễn Đình Chiểu, cuộc đời và sự nghiệp tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Ba Tri. Tôi ước mơ tại trưng bày có một gian “Nguyễn Đình Chiểu và người Bến Tre, người Bến Tre và Nguyễn Đình Chiểu”.

Tháng 5-2022

Bút ký của Nguyễn Trúc Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN