Rất may cho tôi, bởi những người bạn của ông hồi còn ở Công ty Chế biến dừa Bến Tre như kỹ sư Nhã hay ông Nguyễn Hoàng Thái đều là những người tôi đã quen biết trước đó. Trong cuộc trò chuyện với ông, tôi không hỏi nhiều về thông tin cá nhân, bởi tôi biết, ông thường không thích nói nhiều về mình. Thay vào đó, tôi nhắc tới những người bạn và câu chuyện giữa tôi với ông được gợi mở…
Dây chuyền sản xuất nước dừa đóng lon. Ảnh: Hữu Hiệp
Khởi nghiệp từ cái kho cũ
Ông sinh năm 1961, quê ở xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú với tên đầy đủ là Cù Văn Thành. Năm 1984, ông Thành “đầu quân” về Công ty Chế biến dừa Bến Tre, rồi sau đó về Trung tâm Nghiên cứu dừa Đồng Gò (huyện Giồng Trôm), là công nhân của hai đơn vị này suốt hàng chục năm trời cho đến khi về tự lập doanh nghiệp riêng cho mình.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Nguyễn Hoàng Thái, một người bạn rất thân với ông nhớ lại: “Hình như Cù Thành tốt nghiệp Trung cấp Kinh tế hay Cơ khí gì đó. Ở công ty, Cù Thành phụ trách kinh doanh là chính. Cù Thành là một con người năng động, nhạy bén và luôn theo cái mới”.
Những năm 1990, kinh tế “mở cửa”, nhiều đối tác nước ngoài tìm đến tỉnh để thu mua dừa, nhất là dầu dừa thô. Trong đó, thị trường Trung Quốc rất “hút hàng”. Vốn là người nhạy bén, ông Thành nghĩ ngay đến việc phải thành lập một doanh nghiệp cho riêng mình. “Thời bao cấp, dầu dừa của tỉnh chủ yếu được xuất đi các nước xã hội chủ nghĩa, khi đó dầu dừa như một “hàng hóa” trao đổi. Nhu cầu rất cao bởi chỉ có Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng mới có đủ số lượng dừa đáp ứng.” - ông Thành cho biết.
Ông Thành quyết định thuê lại cái kho cũ của Công ty Chế biến dừa Giồng Trôm để mở xưởng ép dầu dừa. Sau đó, hùn vốn với mấy người bạn mở rộng quy mô nhà xưởng, phát triển lên doanh nghiệp và công ty.
Trở thành doanh nghiệp dẫn đầu
Năm 2005, công ty của ông dời về An Hiệp - thuê một phần đất của Nhà máy đường An Hiệp làm trụ sở. Bấy giờ, mấy người bạn của ông xin “rút vốn”. Vài năm sau đó, xã An Hiệp thành lập khu công nghiệp và ông phát triển doanh nghiệp thành Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Công ty có nhà máy được trang bị thiết bị hiện đại với hơn 900 công nhân. Hiện công ty đã được công nhận các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường các nước trên giới như chuẩn ISO, HACCP, HALAL, BRC… và là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được cơ quan FDA của Mỹ cấp mã số FDA và sản phẩm của công ty chinh phục được tất cả thị trường khó tính ở châu Âu. Hiện nay, công ty của ông đã có chi nhánh tại Mỹ.
Về nguồn nguyên liệu, hiện tại công ty đã liên kết tiêu thụ dừa trái của 3 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác, 2 tổ liên kết trên địa bàn 15 xã thuộc 4 huyện của tỉnh với tổng diện tích khoảng 980ha, tương đương khoảng 2.100 nông hộ (trong đó, số nông hộ canh tác dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ chiếm khoảng 50%).
Bên cạnh việc phát triển sản xuất, kinh doanh, công ty luôn quan tâm chăm lo tốt đời sống của công nhân. Đặc biệt, từ năm 2007, Công đoàn của công ty phát động xây dựng “Nhà tình thương đồng nghiệp”, mỗi năm từ 3 - 4 căn. Chị Nguyễn Thị Phương ở xã Sơn Hòa (huyện Châu Thành), người được Công đoàn xét tặng nhà tình thương đồng nghiệp vào năm 2012 cho biết, hai vợ chồng đã “đồng hành” cùng công ty hơn chục năm ở tổ dán tem. Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn về nhà ở. Chính ông Cù Văn Thành xuống tận địa phương và xét hỗ trợ để hai vợ chồng xây được căn nhà như bây giờ.
“Chính tôi cũng trưởng thành từ công nhân của một đơn vị. Thời bao cấp ấy với lương ba cọc ba đồng thật khó mà chu toàn cho cuộc sống. Ấy vậy mà chúng tôi đã vượt qua. Tôi thường nói với công nhân của mình rằng: Mỗi người mỗi việc, hãy làm việc của mình thật tốt thì công ty luôn đãi ngộ các bạn” - ông Thành tâm sự.
Thành lập