Cùng đi trộm cắp tài sản cũng là đồng phạm

03/10/2021 - 20:04

Ông Nguyễn Văn Hai có nhu cầu tư vấn: Cháu trai tôi (18 tuổi) cùng 2 người bạn (lớn hơn cháu tôi) đi trộm cắp nhà của ông A máy laptop, điện thoại bán được 12,5 triệu đồng rồi chia đều mỗi đứa 4 triệu đồng, còn lại 500 ngàn đồng đi nhậu chung. Cháu tôi không lấy tiền nhưng có nhậu. Lúc đi trộm, cháu tôi chỉ đứng ở ngoài giữ xe. Cách nay 3 tháng, công an đã tìm ra thủ phạm và mời cả 3 đứa lên làm việc. Xin hỏi: Cháu tôi không lấy tiền bán tài sản trộm cắp được của bạn chia ra. Vậy có bị tù tội hay được giảm nhẹ không?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một phạm tội;

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm;

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức; người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.

Theo trình bày của ông, mặc dù cháu ông không nhận tiền bán tài sản trộm cắp được đồng bọn chia ra. Tuy nhiên, cháu của ông đã thực hiện hành vi “đứng ngoài giữ xe” với vai trò là người giúp sức thì cháu ông vẫn phạm vào tội trộm cắp tài sản và là đồng phạm trong vụ án trộm cắp này.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1, Điều 173 của Bộ luật Hình sự thì người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sàn mà còn vi phạm.

b. Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

c. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

d. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

đ. Tài sản là di vật, cổ vật.

Căn cứ quy định của các điều luật nêu trên, cháu của ông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản do đã có hành vi giúp sức cho việc thực hiện tội phạm.

Về mức xử phạt nặng hay nhẹ thì tòa án sẽ xem xét và quyết định, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và nhân thân của từng người trong vụ án.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN