 |
Người dân mua sắm tại “Hàng Việt về nông thôn. Ảnh: T.Q |
Trong hai ngày 7 và 8-8-2009, Sở Công thương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức chương trình “Hàng Việt về nông thôn” tại huyện Mỏ Cày Bắc. Chương trình tạo nhiều ấn tượng cho cả người tiêu dùng lẫn người tham gia bán hàng.
Có 38 gian hàng và siêu thị tham gia trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm tiêu dùng. Chủng loại hàng hóa khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn: vật tư nông nghiệp, thời trang, thực phẩm chế biến, đồ dùng gia đình, văn phòng phẩm, với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Ngay thời điểm khai mạc, khách hàng đã có mặt đông đúc, Trường THCS Phước Mỹ Trung đã thật sự quá tải. Người dân địa phương đến không chỉ xem sản phẩm, xem chương trình ca nhạc mà còn mua nhiều sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thưa, ở xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách) bộc bạch: Tôi phải chọn mua vài thứ gia đình đang cần, tính ra giá bán thấp hơn bên ngoài. Còn ông Ngô Văn Phước Em, xã Tân Bình (Mỏ Cày Bắc) cầm bếp ga vừa mua tâm đắc: Hàng Việt Nam sắc sảo đâu kém hàng ngoại, tôi còn được tư vấn cách sử dụng rất cụ thể. Ông Võ Văn Thành-Phó Giám đốc siêu thị Vinatex Vĩnh Long nói: Doanh số bán hàng tại đây không bằng các tỉnh mà chương trình đã đi qua. Nhưng, cái được nhất đối với công ty là sản phẩm được rất nhiều người dân nông thôn biết đến. Đây là điều kiện để giới thiệu thương hiệu của công ty. Theo báo cáo của Ban tổ chức, chương trình “Hàng Việt về nông thôn” thu hút hơn 10 ngàn lượt người đến tham quan, mua sắm, tổng doanh thu của các gian hàng đạt trên 400 triệu đồng.
Hành động cao đẹp nữa mà các doanh nghiệp và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đến với chương trình “Hàng Việt về nông thôn” là tặng 40 suất học bổng cho học sinh nghèo và khám bệnh, phát thuốc cho 380 người nghèo tại địa phương. Tổng trị giá hàng chục triệu đồng.
Bà Vũ Kim Hạnh-Giám đốc trung tâm BSA cho biết, chương trình “Hàng Việt về nông thôn” là khâu đột phá trong gói chương trình tổng thể về kích cầu tiêu dùng. Bến Tre là tỉnh thứ 5 được triển khai, mục tiêu hướng đến là giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường mới, thông qua các hoạt động như khảo sát thị trường, ý kiến bạn hàng, tiểu thương… Và, doanh nghiệp có thể coi đây là một hoạt động trong chuỗi xây dựng thương hiệu và phát triển kênh phân phối. Người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng sản phẩm thiết yếu, có giá cả, chất lượng phù hợp.