Cuộc sống gia đình

14/08/2009 - 09:56

Các cụ xưa đã từng nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không ai giống ai trong cuộc sống gia đình cả. Nhưng lại có một điểm chung, đó là chăm lo cho tương lai con em chúng ta.

Hùng là người bạn thời quân ngũ với tôi, anh đã để lại chiến trường cánh tay phải. Vợ anh là một cán bộ mặt trận xã, nếu cộng lương thương binh của anh và lương của chị giỏi lắm đi chợ ăn rau, dưa cũng chỉ được nửa tháng. Ấy vậy mà anh chị nuôi được hai con trai vào đại học. Một học Đại học Bách khoa Hà Nội, một học Đại học Kinh tế ở TP.HCM, cả hai cháu đều là học sinh giỏi và được hưởng học bổng, còn cháu út năm nay hết lớp 12, đang chuẩn bị thi vào Đại học Sư phạm. Khi nghe tôi hỏi, anh cười hồn nhiên trả lời: “Có gì đâu! Tôi là thương binh mất một cánh tay nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình bị tàn phế cả. Từ suy nghĩ đó mà lúc nào tôi cũng chịu khó làm việc. Điều quan trọng là tôi làm để cho con tôi thấy được, dù không lành lặn như người khác, nhưng vẫn làm việc kiếm thêm tiền để nuôi các con ăn học nên người. Mọi người trong gia đình tôi luôn tôn trọng lẫn nhau, có việc gì khó khăn tôi đều đưa ra cùng bàn bạc giải quyết, nên mọi mắc mứu trong gia đình đều được hóa giải êm thấm. Giờ thì hai cháu lớn đã tạm ổn, riêng cháu út, vợ chồng tôi cũng sẽ cố gắng cho cháu toại nguyện trên đường học vấn”.
Đó là câu chuyện của vợ chồng Hùng; còn vợ chồng Sơn là bạn học cấp ba một thời với tôi thì lại khác. Sơn bây giờ đang là trưởng phòng của một công ty liên doanh. Vợ Sơn là chủ một cửa hàng tạp hóa, nhìn từ góc độ kinh tế thì Sơn là một “đại gia”. Hôm tôi ghé nhà, Sơn tiếp tôi có vẻ lạnh nhạt như là tiếp một người đến nhờ cậy, thấy thế tôi tìm lý do xin phép ra về. Vợ Sơn liền nài nỉ tôi ở lại chơi vì lâu quá tôi mới ghé nhà. Biết không thể từ chối được nên tôi nán ngồi lại một chút. Vợ Sơn thanh minh: “Tính anh ấy là vậy đấy, thấy ai đến nhà cũng tưởng là nhờ vả nên mặt lúc nào cũng lạnh như tiền. Vợ chồng tôi thì chiến tranh như cơm bữa. Không phải tôi vạch áo cho người xem lưng đâu, nhưng anh ấy suốt ngày tiệc tùng từ nhà hàng này đến nhà hàng khác; việc nhà cửa, buôn bán kinh doanh, con cái... đều phó thác một mình tôi. Anh ấy thường lấy tiền ra làm cán cân của cuộc sống. Anh biết không? Con gái đầu của tôi hiện đang ở trại cai nghiện, còn thằng út bỏ học năm lớp chín, hôm qua đua xe bị công an bắt, tôi mới bảo lãnh về”.
Qua câu chuyện của hai người bạn, tôi liên tưởng đến “thuyết nhân quả”, nhân nào thì quả ấy. Muốn con cái sau  này trở thành một công dân tốt thì môi trường gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến nhân cách của con cái.

Võ Hoàng Nam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích