Xã An Điền cách trung tâm huyện Thạnh Phú khoảng 18 km. Anh Đỗ Hoàng Long, quê An Điền vừa dẫn đường vừa kể “Ở đây, mỗi xã cách nhau một cánh đồng, và có một giồng đất dài làm ranh giới. Tên gọi lạ lắm, ở ngoài thì nghe văn vẻ, nhưng người dân cứ theo nếp cũ mà gọi, thí dụ như: Giồng Ớt là xã An Thuận, Giồng Chanh là xã An Qui, Giồng Chùa là xã Mỹ Hưng, Giồng Bảy là xã An Nhơn. Ngay cái tên huyện Thạnh Phú cũng ít người biết tới, mà người dân cứ quen gọi là huyện Giồng Miễu…”.
Nhớ lại những năm trước đây, muốn đến An Điền chỉ có phương tiện duy nhất là đi đò, mỗi ngày một chuyến, có trễ thì cuốc bộ khoảng ba tiếng, còn ngồi đò thì ngót nghét cũng tiếng rưỡi nếu nước xuôi, hơn hai tiếng nếu nước cạn, không vô rạch được, xã nhỏ này hình như bị lãng quên với nhiều cái không: không đường, không điện, không nước, không có hộ khá giàu…
Lần này về xã bằng đường bộ trên những con đường phẳng lì vừa mới làm xong. Sau hai mươi phút, chúng tôi đã đặt chân trên địa phận An Điền. Càng đi sâu vào xã, gió càng mạnh hơn do đang tiến dần về phía biển, không khí như có mang hơi hướm mặn mòi của muối, đường đã hẹp hơn, hai bên đường không còn thấy những mảng xanh của lúa, của dừa mà thay vào đó là những vuông tôm rất rộng, trên đó là những chòi canh đẹp mắt và xây dựng khá kiên cố, dưới mặt vuông là hàng loạt máy bơm nước công suất lớn và hệ thống trục nước theo mô hình nuôi tôm công nghiệp.
Tranh thủ ghé vào chòi canh của anh Nguyễn Văn Chấn, tôi thực sự bất ngờ về các tiện nghi sinh hoạt trong chòi, có đủ cả: ti vi, đầu đĩa karaoké, tủ lạnh, bếp gas, điện thoại di động... Anh Chấn hồ hởi khoe “Ở đây vừa khỏe, có tiền lại đủ tiện nghi, ai có gì là tui có nấy…”.
Xe chúng tôi vượt lên cầu Cả Cát, cây cầu theo mô hình dây văng duy nhất và lớn nhất huyện, hình thành cũng đã 5 năm, cầu rất đẹp và hùng vĩ như một điểm xuyết ngạo nghễ sừng sững giữa đất trời quê biển đầy nắng gió này - nối liền cù lao An Điền với đất liền của huyện, chấm dứt sự chia cách đầy khó khăn của cư dân ở đây.
Tiếp chúng tôi tại ngôi trường mẫu giáo xã mới toanh, hiệu trưởng Nguyễn Thanh Loan vui vẻ kể: “Trường này được xây theo chuẩn quốc gia, bà con rất phấn khởi, nhất là phụ huynh có con nhỏ, ở đây có được trường lớp khang trang như vậy là mừng lắm…”. Mà đâu chỉ có trường mẫu giáo, trường tiểu học vừa xây xong cũng đạt tiêu chuẩn này, rồi trường THCS cũng đang gấp rút hoàn thành để đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế cũng đạt mười chuẩn quốc gia về y tế, có bác sĩ phụ trách, nhà nào cũng sử dụng điện lưới quốc gia, nước “phông - tên” hẳn hoi, xe Honda, Suzuki, Yamaha chính hãng, điện thoại di động thì không kể xiết. Điều rất lạ là đa số các hộ dân đều cất nhà lầu, nhà kiên cố rất “hoành tráng” nhưng đóng cửa liên tục, chỉ có dịp lễ tết, hữu sự trong gia đình mới mở cửa đón khách. Cư dân ở đây đều tập trung sinh hoạt ở các “chòi canh” tôm với đầy đủ tiện nghi.
Đêm cù lao thật vui, hàng qu