Cựu binh Bảy Tiếp với tâm huyết đóng góp xây dựng quê hương

28/12/2010 - 17:03
Cựu binh - thương binh Trần Văn Tiếp bên sân kiểng trước nhà.

Ông có sáu anh chị em đều tham gia cách mạng, trong đó, có hai người là liệt sĩ và ba người là thương binh. Ông tham gia du kích xã khi mới tròn 14 tuổi.  Năm 1972, trong một trận càn khốc liệt của địch, ông bị thương (xếp loại 1/4). Về với đời thường, cựu binh Vũ Trường Giang (Trần Văn Tiếp) được bầu là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Bình Phú, xã Châu Bình (Giồng Trôm). Quá trình công tác, ông luôn được đồng đội cùng nhân dân tin yêu bởi tính cần cù lao động và sự nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương. 

Theo chỉ dẫn của một người dân, tôi tìm đến tổ nhân dân tự quản số 6, ấp Bình Phú. Trước sân ngôi nhà tường khá đẹp, có trồng nhiều hoa, kiểng, cựu binh Trần Văn Tiếp (Bảy Tiếp) đang lom khom tỉa cây với động tác nhanh nhẹn, thuần thục.  Thấy có khách, chủ nhà dừng tay. Bấy giờ, tôi mới biết, thế đứng và dáng đi của ông không được như người bình thường. Bên tách trà, ông Tiếp kể cho chúng tôi nghe chuyện về thời trai trẻ của mình. Ông được sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Trần Văn Chấp (cha ruột ông Tiếp) là giao bưu cho cách mạng, khu vực huyện Tán Kế (cũ), nay là huyện Giồng Trôm. Khi được 14 tuổi (năm 1962), Trần Văn Tiếp tham gia lực lượng dân quân du kích xã. Tháng 2-1964, ông chính thức thoát ly và đổi tên theo họ mẹ là Vũ Trường Giang, được phân công nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy (đơn vị C116). Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được phân công tiếp quản Khám Lá, sau đó chuyển đến xã Phước Long (Giồng Trôm) thành lập trại cải tạo. Ngày 20-10-1978, ông được điều động về Phòng Nghiên cứu tổng hợp - Ty Công an Bến Tre cho đến năm 1981 thì được nghỉ mất sức theo chính sách. 
Ông Tiếp bồi hồi nhớ lại: “Tháng 8-1968, tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Từ đó, tôi càng phấn đấu công tác tốt hơn nữa”. Nhưng niềm vui đến với ông chưa được bao lâu thì tin buồn lại đến, đơn vị báo tin cho ông biết, người anh ruột thứ năm của ông là Trần Văn Vinh (Phó đoàn pháo binh Biên Hòa) đã hy sinh vào tháng 4-1969 tại trận Bình Giã. Nỗi đau của Bảy Tiếp lại càng chồng chất hơn khi nhận được tin ông Trần Văn Gặp (em thứ mười của ông), chiến sĩ trinh sát thuộc C2, đơn vị địa phương quân Giồng Trôm, hy sinh ngày 29-12-1969 (âm lịch). Nén đau thương, Bảy Tiếp lại càng quyết tâm với con đường theo Đảng của mình. Ngày 17-2-1970, Thủy quân lục chiến địch phối hợp mở đợt càn quét 12 ngày đêm với tên gọi “Kình ngư - Hắc điểu”, ông bị trúng đạn máy bay, với vết thương ở cột sống (mẻ 3 đốt sống). Nhờ đồng đội cứu thoát, nhưng ông phải nằm một chỗ suốt mấy tháng liền.
Hiện vết thương đã lành, nhưng thỉnh thoảng lại hành hạ ông bằng những cơn đau nhức và khiến ông đi đứng không được bình thường. Lòng nhiệt tình, muốn cống hiến cho quê hương và bản chất của người lính đã giúp ông vượt qua khó khăn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Suốt mười bốn năm liền (1996-2010), Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CH.CCB) ấp Bình Phú, xã Châu Bình, cựu binh - thương binh Trần Văn Tiếp luôn sát cánh với các tổ chức Hội, Đoàn địa phương, cùng góp sức xây dựng xã nhà. Năm 2004, ông Tiếp đã vận động hội viên CH.CCB ấp Bình Phú (25/25 hội viên) đóng góp được 5,7 triệu đồng, làm cầu bê-tông bắc qua kênh Xáng, dọc theo đê quốc phòng. Trong năm 2010, CH.CCB ấp Bình Phú đã vận động nhân dân đóng góp đất, tiền và nhân công làm tuyến lộ bê-tông trên đường có cầu này đi qua (dài 450m, ngang 1m), kinh phí 24 triệu đồng cùng hàng chục ngày công lao động. Sau đó, con đường này đã được gọi tên là đường 612 (tên kỷ niệm ngày thành lập Hội CCB, ngày 6 tháng 12). Chi hội trưởng Trần Văn Tiếp cho biết: “Chi hội ấp Bình Phú có trưởng ấp và bí thư cũng là hội viên CCB, anh em luôn gắn bó nhau, gương mẫu đi đầu trong đóng góp xây dựng địa phương nên rất thuận lợi trong khâu vận động các hội viên khác”. Cũng từ nguồn vốn vận động hội viên, liên tục trong ba năm học (từ 2008-2010), CH.CCB ấp Bình Phú đã hỗ trợ cho học sinh nghèo và học sinh hiếu học hơn 1.300 quyển tập cùng nhiều phần quà khác. Bên cạnh đó, Chi hội đã vận động xây dựng được các loại quỹ như: nghĩa tình đồng đội, trái dừa tình thương, hụi không lời… giúp cho nhiều lượt hội viên CCB vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu như: ông Đỗ Văn Thật, ông Nguyễn Văn Bé, bà Nguyễn Thị Nhành… Riêng trong đóng góp xây dựng giao thông nông thôn ấp Bình Phú, nhờ hội viên CCB gương mẫu đi đầu, đã vận động nhân dân trong ấp đóng góp xây dựng được trên 3.300m lộ bê-tông (trị giá hàng chục triệu đồng) nối liền các lộ liên ấp, tổ, góp phần giúp Châu Bình hoàn thành lộ bê-tông của 9 ấp trong toàn xã và được UBND huyện Giồng Trôm công nhận là xã hoàn thành bê-tông hóa giao thông nông thôn vào tháng 1-2010. Và, liên tục từ năm 2002 đến nay, CH.CCB ấp Bình Phú luôn được Hội CCB huyện Giồng Trôm công nhận là chi hội trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Kể về chuyện gia đình mình, ông Tiếp xúc động: “Tôi kết hôn năm 1976. Hồi đó… thủ trưởng đơn vị cho dầu, xăng và cho mượn ghe máy để chạy thẳng xuống xã Tân Xuân (Ba Tri), chở vợ tôi và gia đình tới cơ quan Công an tỉnh làm lễ tuyên bố. Vậy mà, thấm thoát đã gần ba mươi lăm năm rồi”. Hiện tại, bốn người con của ông đã ổn định công tác (hai trai công tác trong ngành công an, hai gái là giáo viên). Hàng ngày, niềm vui của người cựu binh - thương binh này là chăm sóc vườn cây trái, hoa kiểng và cùng đóng góp xây dựng quê hương. Ông luôn tâm niệm: Tôi làm việc bằng hết khả năng của mình, làm những gì có lợi cho nhân dân. 
Nhận xét về đồng đội của mình, Chủ tịch Hội CCB xã Châu Bình Đào Minh Huệ cho biết: “Năm 2009, anh Bảy được vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Với trách nhiệm là Chi hội trưởng CH.CCB ấp Bình Phú, ấp trung tâm hành chính của xã, tuy là thương binh hạng 1/4, mất sức lao động 85%, nhưng anh luôn năng nổ cùng hội viên trong các hoạt động đóng góp xây dựng quê hương. Ở Hội CCB Châu Bình, anh Bảy là một gương điển hình trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN