D-com 3G có thể “uy hiếp” được ADSL?

06/06/2010 - 16:42

Trong những ngày vừa qua, Viettel công bố triển khai chương trình bán hàng và tiếp thị sản phẩm thiết bị Dcom 3G rầm rộ dành cho khách hàng trên toàn quốc. Đã có ý kiến nhìn nhận rằng, dường như Viettel đang thể hiện tham vọng không những tạo sức ép vượt trội lên so với các thiết bị truy nhập Internet 3G không dây tốc độ cao với các nhà mạng khác, mà còn có thể tạo áp lực “uy hiếp” đến thị phần của ADSL hiện nay.

ADSL là một trong những kết nối Internet phổ biến cung cấp băng thông lớn cho việc truyền tải dữ liệu (tiếng Anh gọi là broadband Internet) và chính ADSL là nhân tố quan trọng cho việc phát triển mạnh mẽ thời gian qua tại Việt Nam. ADSL ở Việt Nam đã đóng vai trò thúc đẩy công nghệ thông tin cũng như nền kinh tế và giáo dục của nước ta đuổi theo các nước khác và vai trò của ADSL cho đến hiện nay vẫn chưa bị thay thế. Tuy nhiên, cùng với việc bùng nổ công nghệ 3G hiện nay, một loạt các thiết bị kết nối không dây tốc độ cao do các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel,  MobiFone… đã báo hiệu một cuộc cạnh tranh gay gắt  và làm cho dịch vụ Internet băng rộng thêm phong phú, hấp dẫn hơn. Và tất nhiên sự cạnh tranh này sẽ mang đến lợi ích và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phù hợp hơn cho mọi đối tượng khách hàng.

Theo các nhà chuyên môn cho biết, thì tốc độ của ADSL hiện vẫn vượt trội so với các thiết bị truy nhập Internet không dây hiện nay. Tuy nhiên, ADSL lại có bất lợi là phải có đường dây kết nối. Trong khi đó các thiết bị truy nhập không dây hiện nay như D-com 3G của Viettel có thể đạt tốc độ truy nhập Internet băng rộng từ máy tính thông qua thiết bị USB HSPA/HSDPA có gắn SIM 3G Viettel. Tức khi sử dụng thiết bị này, thuê bao có thể truy cập Internet với tốc độ cao qua sóng 3G ở mọi lúc, mọi nơi - miễn là có vùng phủ sóng di động của Viettel (Viettel hiện công bố đã phủ sóng rộng khắp toàn quốc).

Về tốc độ cụ thể thì có thể thấy, các nhà cung cấp ADSL đều cam kết tốc độ tối đa có thể đạt được theo từng dịch vụ, từng gói cước. Tại những cam kết này hoặc quảng cáo về dịch vụ của mình, các ISP thường chỉ ra tốc độ tối đa thường vào khoảng 1.536 kbps đến 8 Mbps cho việc tải xuống (download) và 512-640 kbps cho việc tải lên (upload). Còn nhà mạng Viettel công bố, tốc độ truy cập Internet của D-com 3G hiện nay đáp ứng được tiêu chuẩn băng thông rộng, tốc độ xấp xỉ so với tốc độ của ADSL.

Bên cạnh đó, D-com 3G ngoài ưu điểm gọn nhẹ, có thể kết nối mọi lúc, mọi nơi… thì loại hình dịch vụ này có mức cước và một số chế độ hấp dẫn hơn nhiều so với ADSL. Theo công bố bảng giá thiết bị và các mức cước của D-com 3G của Công ty Viễn thông Viettel cho biết, D-com 3G có 2 loại, loại 3,6 Mbps và 7,2 Mbps. Đối với bộ D-com 3,6 Mbps hiện đang có giá khuyến mại là 680.000 đồng/cái (gồm cả phí hòa mạng 65.000 đồng đối với trả trước và phí hòa mạng 119.000đồng đối với trả sau). Đối với bộ D-com 7,2 Mbps thì gói trọn bộ là 780.000 đồng.

Còn về mức cước của D-com 3G cũng khá linh hoạt và được đánh giá là hấp dẫn hơn nhiều so với mức cước của ADSL hiện nay trên thị trường. Cụ thể, D-com 3G trả sau dành cho khách hàng có ít nhu cầu di chuyển: loại 30.000 đồng/tháng (600 MB miễn phí), 100.000 đồng (2.5 GB miễn phí), 200.000 đ (5.5 GB miễn phí), cước phí lưu lượng vượt mức được tính 50 đồng/MB. D-com 3G trả sau dành cho những người có nhu cầu di chuyển thường xuyên cũng có 3 mức cước 40.000 đồng, 120.000 đồng, 250.000 đồng với lưu lượng miễn phí tương tự là 600 MB, 2.5 GB, 7GB và cước vượt mức lưu lượng là 65 đồng/MB. Đối với gói cước D-com 3G trả trước, Viettel công bố mức giá là 50 - 65 đồng/MB, còn tin nhắn nội ngoại mạng là 500 đồng/SMS và quốc tế là 2.500 đồng/SMS.

Nhiều ý kiến nhìn nhận rằng, tuy chưa thể nói D-com 3G có chiếm lĩnh được thị trường hay không, có tạo ra bất lợi cho thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ ADSL hiện nay hay không, nhưng có thể với lợi thế nguồn khách hàng khoảng 50 triệu thuê di động hiện nay, cùng với việc cho ra đời các gói cước linh hoạt, hệ thống phân phối, chế độ đãi ngộ… D-com 3G của Viettel đang có được những lợi thế để thu hút khách hàng, tạo dựng vị thế cho mình trong phân khúc thị trường dịch vụ truy cập Internet băng rộng không dây trong thời gian tới.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích