Đã có lối ra?

19/09/2008 - 07:26

Thu hoạch tôm sú ở An Điền.

Trong hơn tháng qua, việc nhiều hộ dân ở Thạnh Phú do nuôi tôm bị thua lỗ, nợ tiền ngân hàng quá hạn không có khả năng chi trả, bị “xiết nợ”, đã gây xôn xao trong dư luận. Sở NN&PTNT vừa tổ chức đoàn đi thực tế tại các xã trọng điểm ở Thạnh Phú, bước đầu ghi nhận như sau:

Theo báo cáo của chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Thạnh Phú, đến ngày 30-6-2008 dư nợ xấu cho vay ngành thủy sản tổng cộng trên 20,2 tỷ đồng, chiếm 69,6% tổng dư nợ xấu. Trong đó, qua khảo sát, đoàn phân loại như sau: Hộ vay có kinh tế khá nhưng không tích cực trả nợ là 67 hộ, tổng vốn dư nợ là 5 tỷ đồng. Hôỉ vay vốn nhưng sử dụng nuôi thủy sản chỉ một phần, số còn lại sử dụng vào các mục đích khác nhưng không trả nợ là 85 hộ, tổng vốn dư nợ 6,2 tỷ đồng. Riêng hộ thật sự khó khăn do nuôi tôm bị thất mùa là 147 hộ, tổng dư nợ 5,6 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Thu Nga - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Qua khảo sát cho thấy chính quyền sở tại có quan tâm đưa ra nhiều giải pháp để thu hồi nợ vay quá hạn; có phân loại từng đối tượng vay theo thứ tự hộ loại A, B, C. Song, đến nay việc thực hiện thu hồi nợ còn gặp nhiều khó khăn, do các hộ nuôi tôm thua lỗ nhiều năm liền nên mất khả năng chi trả. Đa số các hộ dân đều có thiện chí trả nợ và cam kết trả từ 5 đến 20 triệu đồng/năm vì còn tùy thuộc vào nợ vay, khả năng thu nhập hằng năm của gia đình. Theo bà Nga, đối với những hộ thuộc nhóm C thật sự khó khăn không đủ khả năng trả nợ thì ngân hàng nên xem xét cho gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ không tính lãi thêm. Đồng thời có chính sách hỗ trợ để dân tiếp tục sản xuất, tạo nguồn thu nhập để trả nợ. Đối với các hộ có khả năng trả nợ mà còn kỳ kèo, không có thiện chí thì đề nghị có biện pháp mạnh để thu hồi nợ.

Về phía ngân hàng, ông Hồ Duy Khánh - Phó Giám đốc chi nhánh NH NN&PTNT Thạnh Phú - cho hay, tình hình tài chính của đơn vị đang gặp nhiều khó khăn, do nợ quá hạn không có biện pháp xử lý hiệu quả. Ôâng đề nghị, các ngành huyện cùng địa phương phối hợp thành lập tổ xử lý nợ vay quá hạn để chọn ra những hộ có khả năng trả nợ tiến hành các biện pháp thu hồi nợ. Đối với những hộ không có khả năng chi trả thì xem xét có chính sách hỗ trợ. Cần lưu ý, bình xét phải thật khách quan, công bằng.

Theo ông Nguyễn Văn Bích - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành để bàn giải pháp, nhưng đến nay công tác thu hồi nợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, ông đề nghị: Ngân hàng nên đưa ra tiêu chí phân loại để xã làm căn cứ bình xét. Có chính sách hỗ trợ cho các hộ thật sự nghèo, đang gặp khó khăn để họ yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống và có tiền trả nợ. Các hộ có khả năng trả nợ nhưng không trả thì kiên quyết xử lý.

Theo thông tin mới nhất từ chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Thạnh Phú, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, ngân hàng đã phối hợp với các ngành huyện, chính quyền địa phương thành lập tổ xử lý thu hồi nợ. Bước đầu trong tháng 8 và giữa tháng 9 đã thu hồi trên 1,9 tỷ đồng. Hiện, huyện đang tổ chức các đoàn đến từng hộ tiếp tục thu hồi.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN